Theo dõi trên

Giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số

08/12/2022, 08:13

Giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) là một trong những chủ trương, nhiệm vụ lớn của Đảng và Nhà nước ta. Cùng với các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Trung ương, chính sách đầu tư ứng trước của tỉnh đã khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của bà con vùng ĐBDTTS, miền núi, tạo sức bật giảm nghèo bền vững.

Bình Thuận có hơn 100.000 người ĐBDTTS, cư trú rộng khắp trên địa bàn tỉnh, cư trú phổ biến là sống xen kẽ, trong đó, các dân tộc Raglai, Cơ Ho, Chơ Ro... sinh sống tập trung ở 11 xã thuần đồng bào dân tộc và 20 thôn xen ghép. Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về giảm nghèo bền vững, giúp ĐBDTTS có cuộc sống ổn định, ấm no và phát triển. Một trong những chính sách để giảm nghèo bền vững vùng ĐBDTTS phải nói đến chính sách đầu tư ứng trước được tỉnh triển khai đến các hộ ĐBDTTS đang sinh sống và có đất sản xuất nông nghiệp tại 11 xã thuần vùng cao và 20 thôn dân tộc thiểu số xen ghép thuộc xã miền núi, vùng cao tại các huyện: Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh, Đức Linh, Tuy Phong và Hàm Thuận Bắc. Được triển khai từ năm 2016 đến nay, chính sách đầu tư ứng trước và trợ cước vận chuyển giống, vật tư đã phát huy hiệu quả, góp phần giúp đồng bào có đủ giống, vật tư nông nghiệp đảm bảo chất lượng để sản xuất. Việc thực hiện bao tiêu sản phẩm với giá cả phù hợp đã giúp người dân yên tâm, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, thúc đẩy phát triển sản xuất tại vùng ĐBDTTS. Toàn tỉnh hiện nay đã xây dựng được 11 cửa hàng ở các xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, 13 đại lý ở các thôn dân tộc thiểu số xen ghép nhằm cung ứng kịp thời giống lúa, bắp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật các loại và chi phí cày đất phục vụ sản xuất của đồng bào. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững vùng ĐBDTTS, những năm qua tỉnh còn tập trung nhiều nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp thiết thực và đạt nhiều hiệu quả trong công tác giảm nghèo. Theo đó, tỉnh đã thực hiện có hiệu quả các dự án, chính sách giảm nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo vùng ĐBDTTS được tiếp cận với các dịch vụ xã hội tốt hơn.

dsc_4308.jpg
Đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Lâm Giang (Hàm Trí - Hàm Thuận Bắc) đang canh tác. Ảnh: Đ. Hòa

Bên cạnh đó, với sự phát triển của truyền thông, người dân ngày càng hiểu biết hơn về chính sách hỗ trợ, kỹ thuật sản xuất, các mô hình hiệu quả, nhờ đó đã tự lực tự cường làm kinh tế để thoát nghèo. Hoạt động cho vay vốn đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình chính sách vùng ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các đoàn thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nghèo được tiếp cận các nguồn vốn, tín dụng để phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo, người nghèo vùng ĐBDTTS ngày càng được tạo điều kiện phát huy được tính chủ động trong lao động, chăn nuôi, sản xuất đạt được hiệu quả, đem lại thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững.

Để hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững vùng ĐBDTTS, tỉnh còn chủ động triển khai thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ cũng như tích cực triển khai các dự án đầu tư về phát triển cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường khu vực nông thôn, vùng ĐBDTTS. Đặc biệt là việc triển khai các dự án đầu tư phát triển hạ tầng cho các huyện miền núi, nhằm phục vụ đi lại, sản xuất và đời sống cho người dân. Các địa phương còn hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế bằng các mô hình cụ thể như: Hỗ trợ nuôi trâu, bò sinh sản, gà thả vườn, cây ăn trái cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, nông cụ sản xuất, mở lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người dân vùng ĐBDTTS. Nhờ các chính sách hỗ trợ cùng sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương nên tỷ lệ hộ nghèo tại vùng ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh đã giảm rõ rệt. Tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh chỉ còn 3,64% hộ ĐBDTTS nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, giảm gần 21%.

Nhằm chăm lo đời sống của ĐBDTTS, hướng tới giảm nghèo bền vững đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý và phát huy hiệu quả các công trình đã đầu tư trên địa bàn. Ưu tiên các nguồn lực cho đầu tư phát triển hệ thống giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi, nước sinh hoạt. Đẩy mạnh đầu tư ứng trước và bao tiêu sản phẩm hàng hóa nông sản vùng ĐBDTTS gắn với xây dựng nông thôn mới. Có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến, thu mua nông sản ở miền núi, vùng cao, vùng ĐBDTTS. Tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về công tác giảm nghèo tại các xã, nhất là các xã vùng khó khăn, vùng ĐBDTTS bằng nhiều hình thức nhằm thay đổi về nhận thức của người dân trong công tác giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo của người nghèo…

THANH QUANG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Cảnh báo thuốc “Phong tê nhức Hổ Cốt Hoàn” giả
Sở Y tế Bình Thuận vừa có văn bản yêu cầu các bệnh viện, trung tâm y tế, phòng khám, công ty kinh doanh thuốc và nhà thuốc phòng tránh mua bán, sử dụng thuốc cổ truyền giả mạo, không đảm bảo chất lượng.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số