Theo dõi trên

Giáo dục địa phương

18/02/2022, 08:47

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều thay đổi, trong đó có nội dung giáo dục địa phương. Hiện nay, các tỉnh đã tiến hành viết tài liệu giáo dục địa phương từ lớp 1 đến lớp 12. Tỉnh Bình Thuận cũng đã tổ chức biên soạn phối hợp với nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam in ấn phát hành.

Hiểu gần để thấm được xa
Giáo dục địa phương là dạy – học theo chương trình phổ thông với những nội dung thuộc các bộ môn khoa học xã hội – nhân văn gắn liền với thực tiễn của địa phương. Việc đưa nội dung địa phương vào giảng dạy ở trường phổ thông cho học sinh là rất cần thiết.
Trong cơ cấu tổng thể chương trình giáo dục phổ thông từ trước đến nay thiết kế cung cấp cho học sinh kiến thức xã hội – nhân văn rất rộng, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây. Học địa lý từ châu Á đến châu Âu, châu Mỹ, châu Úc, châu Phi; học lịch sử thế giới từ cổ đại đến hiện đại; học văn học thế giới của các nước Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Hi Lạp, Nhật Bản… nhưng những đặc điểm cơ bản về địa lý, kinh tế, lịch sử, văn học, văn hóa… gần gũi nhất trên chính mảnh đất quê hương mình, nơi các em đã sinh ra và lớn lên, các em lại không biết, bởi vì không được học.
Lần thay đổi chương trình và sách giáo khoa năm 2002, có đưa nội dung địa phương 3 môn: ngữ văn, lịch sử, địa lý vào dạy – học chính khóa từ lớp 6 đến lớp 9 trung học cơ sở, nhưng tỷ lệ thời lượng rất ít. Như môn địa lý chỉ học có 4 tiết ở khối lớp 9, còn từ lớp 6 đến lớp 8 không học. Thay đổi chương trình và sách giáo khoa 2018 lần này đưa nội dung địa phương vào dạy – học chính khóa chiếm tỷ lệ khá cao trong chương trình tổng thể – 30%. Cũng không dừng lại ở 3 bộ môn ngữ văn, lịch sử, địa lý như hồi 2002, mà bổ sung thêm vào các nội dung về kinh tế, văn hóa, nghệ thuật… địa phương.

hoc-sinh-den-truong.jpg

Ở tỉnh Bình Thuận trong thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành triển khai biên soạn theo kế hoạch “cuốn chiếu” như sau: Năm học 2020 – 2021, biên soạn tài liệu dạy – học địa phương lớp 1; năm học 2021 – 2022, biên soạn tài liệu lớp 2 và lớp 6; năm học 2022 – 2023: Lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023 – 2024: Lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024 – 2025: Lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Hiện nay, tài liệu dạy – học lớp 1 và lớp 6 đã in ấn phát hành đến tay học sinh, tài liệu lớp 2 đang in.
Tài liệu địa phương lớp 1, 2, chủ yếu thể hiện ở kênh hình. Dựa trên trực quan hình ảnh, giúp các em nhận biết nội dung sự vật, sự việc. Như ở lớp 1, chủ đề quê hương em, giúp các em nhận biết qua hình ảnh về vùng đất của những điều lý thú với những di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh. Hay chủ đề nghệ thuật và làng nghề truyền thống, giúp các em nhận biết, gọi tên được những sản phẩm của các làng nghề xuất hiện chung quanh cuộc sống hàng ngày các em thường tiếp xúc, nhìn thấy. Bước đầu tiếp cận tìm hiểu về danh nhân lịch sử - văn hóa ở Bình Thuận như Nguyễn Thông, Trương Gia Mô.
Nội dung kiến thức cung cấp cho học sinh ở lớp 6 là những vấn đề cơ bản và dễ nhận biết, như môn địa lý, giúp học sinh xác định được vị trí địa lý của tỉnh trên bản đồ, phạm vi lãnh thổ và ý nghĩa của vị trí địa lý đối với tự nhiên, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận. Kể tên được một số loại khoáng sản chủ yếu và sự phân bố khoáng sản trên bản đồ khoáng sản của tỉnh; khái quát được đặc điểm khí hậu, sông hồ, nhóm đất chính trên bản đồ phân bố đất, tài nguyên sinh vật rừng và biển ở Bình Thuận. Hay môn lịch sử, giúp học sinh trình bày được những nét chính đời sống của người nguyên thủy trên vùng đất Bình Thuận của hai nền văn hóa Sa Huỳnh và Đồng Nai; giải thích được điểm tiến bộ trong đời sống cư dân Bình Thuận thời văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Đồng Nai, đời sống kinh tế, thành tựu văn hóa thời vương quốc Chăm-pa từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ X…
Biết để gìn giữ và phát triển
Phương pháp dạy – học tài liệu địa phương rất cần sự linh hoạt, sáng tạo, thầy cô đồng hành giúp học sinh cùng trải nghiệm, tìm hiểu, nhận biết, tiếp tục khám phá, giúp các em biết yêu quý, trân trọng, tự hào, biết bảo vệ những vốn quý của lịch sử và thiên nhiên ban tặng nơi quê hương mình đang sinh sống, biết cách giới thiệu rộng rãi cho nhiều người cùng biết.

VÕ NGUYÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Giáo dục - Đào tạo và vấn đề sử dụng nguồn nhân lực
BTO- Sáng nay (16/11), ngày thứ hai tiếp tục phiên chất vấn tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã trả lời nhiều câu hỏi chất vấn có liên quan đến giáo dục và đào tạo.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo dục địa phương