Theo dõi trên

Giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo

23/01/2024, 16:25

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội thảo tham vấn chuyên môn về việc xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo. Dự thảo Luật Nhà giáo đưa ra có quy định gây tranh cãi trong ngành giáo và làm nóng các diễn đàn mạng xã hội. Đó là việc cần có giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo.

Tranh cãi trái chiều

Một số ít ý kiến cho rằng, cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp là cần thiết. Vì trên thế giới cũng có nhiều nước đã áp dụng.

Người lại dẫn chứng, bác sĩ, luật sư cũng cần phải có giấy chứng nhận mới được hành nghề thì nhà giáo cũng cần phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp. Không phải ai đi dạy cũng là nhà giáo được. Tuy nhiên, ý kiến đồng tình thì ít mà đa phần là ý kiến phản đối việc cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp cho giáo viên.

z5101612291385_57faadd43eff07e0829b80b97b92a1a7.jpg

“Để làm được giáo viên thì phải được đào tạo ở những trường sư phạm rồi thì tại sao cần cái giấy chứng nhận nghề nghiệp này để làm gì”?

“Bộ chưa lường hết những tiêu cực sẽ xảy ra sau đó. Ai là giáo viên cũng có giấy chứng nhận đó thì cần gì nó nữa? Lúc đó việc thò ra cái giấy để xin làm việc đâu có giá trị gì?”.

“Các nhà giáo đều được trường Nhà nước đào tạo ra và cấp bằng tốt nghiệp vậy là đã đủ điều kiện đứng lớp cần gì cái giấy chứng nhận nghề nghiệp kia?

Để có tấm bằng đó, phải học, phải rèn luyện, phải thi, phải đủ tiêu chuẩn sức khỏe... mới được cấp. Ra trường được tuyển dụng cũng không phải dễ. Đã là giáo viên rồi còn phải dự giờ học hỏi lẫn nhau, hội giảng để trao đổi nâng cao tay nghề, dự lớp bồi dưỡng hè hằng năm do Sở và Bộ tổ chức... Thế mà còn phải học một lớp bồi dưỡng ngắn ngày để xin cái chứng chỉ nghề nghiệp để hành nghề quả là vô lý”?

Bộ Giáo dục và Đào tạo lý giải

Theo Bộ GD&ĐT, cần phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo (giấy chứng nhận). Bởi hiện nay, có nhiều quy định về chuẩn nghề nghiệp và tiêu chuẩn chức danh giáo viên. Giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo ra đời sẽ thay thế những quy định này với các tiêu chí cụ thể.

Giấy chứng nhận sẽ được cấp theo hướng đơn giản, thuận lợi cho nhà giáo, không đòi hỏi hay phát sinh nhiều thủ tục, hoàn toàn miễn phí.

Những nhà giáo đang giảng dạy ở các cơ sở giáo dục, trường chỉ cần lập danh sách và được cơ quan quản lý giáo dục cấp giấy chứng nhận, không cần thêm thủ tục.

Trong khi đó, những giáo viên mới vào nghề hay đang tập sự thì cần làm thủ tục cấp giấy chứng nhận. Những nhà giáo dù đã nghỉ hưu cũng có thể làm thủ tục cấp giấy chứng nhận nếu có nhu cầu.

Giấy chứng nhận là căn cứ để xác nhận một người có đủ năng lực, kỹ năng làm giáo viên.

Đôi điều trăn trở

Theo lý giải của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giấy chứng nhận sẽ được cấp theo hướng đơn giản, thuận lợi cho nhà giáo, không đòi hỏi hay phát sinh nhiều thủ tục, hoàn toàn miễn phí. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo sợ rằng quy định là thế nhưng ở mỗi địa phương giáo viên có thể sẽ bị làm khó, dẫn đến những tiêu cực xảy ra quanh việc cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp.

Tính ra, từ trước đến nay đã có khá nhiều chứng chỉ gây áp lực không chỉ thời gian, tiền bạc của các nhà giáo. Đó là việc quy định phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, chức năng nghề nghiệp.

Có những thầy cô giáo đã phải tốn đến vài chục triệu đồng cho việc học chứng chỉ. Có người học sai hạng chứng chỉ phải học lại. Thế nên, nhiều thầy cô cứ nghe đến giấy chứng chỉ là hãi.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng: Giấy chứng nhận là căn cứ để xác nhận một người có đủ năng lực, kỹ năng làm giáo viên. Xác nhận một người có đủ năng lực, kỹ năng làm giáo viên mới được cấp giấy chứng nhận? Vậy ai sẽ kiểm tra giáo viên ấy để ghi nhận họ là đủ năng lực và kỹ năng? Liệu khi sát hạch để cấp giấy chứng nhận, các thầy cô có bị làm khó hay không?

Nhiều thầy cô giáo mong muốn rằng, quy định về việc giáo viên phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp cần được đưa ra rộng rãi để lấy ý kiến một cách khách quan, tránh việc áp đặt một cách khiên cưỡng như nhiều loại chứng chỉ quy định cho giáo viên trước đây.

PHAN TUYẾT


(0) Bình luận
Bài liên quan

Vận động Quỹ Khuyến học hơn 40,3 tỷ đồng
Chiều 19/1, Hội Khuyến học tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác khuyến học năm 2023, triển khai nhiệm vụ và ký kết thi đua năm 2024.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo