Theo dõi trên

Giữ gìn văn hóa đặc thù trên đảo xa

08/05/2022, 05:21

Nhiều dân tộc, nhiều địa phương quy tụ, cùng chung sống trên đảo xa, họ mang theo những phong tục, tập quán riêng rồi hòa nhập vào cộng đồng, cưu mang lẫn nhau để cùng tồn tại, cùng vượt qua bao thách thức, khắc nghiệt của khí hậu, cuộc sống nơi đảo xa. Vì thế, văn hóa, nghệ thuật dân gian trên đảo Phú Quý có nét rất đặc thù ít nơi nào có được.

Những diễn viên hát bội không chuyên chuẩn bị biểu diễn.

Người Chăm, người Kinh và một bộ phận người Hoa đến đảo Phú Quý từ nhiều con đường hợp pháp và bất hợp pháp bằng thuyền. Trong đó, người Chăm đến đảo khá sớm, từ thời vương triều Chăm Pa (1061 – 1073) nàng công chúa Bàn Tranh bị đày ra hòn đảo hoang vụ này, công chúa cùng các tùy tùng vỡ đất làm nương rẫy để mưu sinh. Do mối quan hệ xã hội và ảnh hưởng của nền kinh tế nông nghiệp trong một thời gian dài, nên đời sống sinh hoạt của người dân Phú Quý mang tính cộng đồng với tinh thần “tương thân, tương ái” cưu mang lẫn nhau để cùng tồn tại, cùng vượt qua bao thách thức khắc nghiệt của khí hậu nơi đảo xa. Nhờ đó, mà tình làng, nghĩa xóm được thắt chặt, bền bỉ, thủy chung. Ở Phú Quý khi gia đình có người qua đời, hàng xóm gặp nạn dù không có họ hàng thân thích thì bà con lối xóm đều đến nhà chia buồn, thăm hỏi gia quyến; người Phú Quý dù có đi đâu, ở đâu, dù có xa xôi cách trở, nhưng vào dịp Tết cổ truyền họ đều quy tụ về quê hương để tưởng nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Người dân trên đảo được quy tụ từ nhiều nguồn, sống giữa biển khơi đầy “phong ba bão táp” hiểm nguy, nên họ có những nét văn hóa rất đặc thù.

Trước đây, do việc học hành còn hạn chế nên mãi đến năm 1928, trên đảo Phú Quý mới có một trường làng tại ấp Phú Mỹ, xã Ngũ Phụng dạy chữ quốc ngữ. Văn hóa trong cư dân thời đó chủ yếu là truyền miệng bằng ca dao, tục ngữ (gọi là văn hóa truyền khẩu). Đồng thời, có các loại hình văn hóa dân gian khá đặc sắc, đó là sáng tác vè “đi kinh” nói về cuộc sống người dân trên đảo; phản ánh nỗi thống khổ về sưu thuế, phục dịch vua quan; ca dao, hò, vè nói về khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, tình thương yêu cộng đồng, gia đình, xã hội… đã đi vào tình cảm sâu lắng trong lòng người dân đảo. Nhất là thể loại hát bội - một loại hình nghệ thuật được cư dân trên đảo yêu thích. Nhiều thôn đã tự tổ chức gánh hát không chuyên tập hợp các “danh ca” trong làng tự biên, tự diễn. Một trong những gánh hát bội đầu tiên ở Phú Quý mang tên “Đồng Tâm” được hình thành cách đây gần 100 năm. Các nghệ sĩ ban đầu đeo mặt nạ biểu diễn, về sau thay bằng cách vẽ mặt và truyền mãi cho tới nay. Những nghệ sĩ không chuyên ấy tạm quên đi sự lam lũ thường nhật để khoác lên mình chiếc áo kiêu sa, lớp hóa trang dày cộm, cháy hết mình cho sân khấu. Hàng năm vào dịp lễ hội hay cúng đầu xuân, giổ các bậc tiền hiền… người dân trên đảo tổ chức hát bội, hát ống, hát ví, sinh hoạt vui chơi mang nhiều ý nghĩa giáo dục văn hóa truyền thống. Lối nói bóng, nói gió hay hát ống, hát ví được người dân đảo sử dụng phổ biến trong đời sống hàng ngày. Từ nền tảng văn hóa truyền thống và đặc thù ấy đã hình thành tính cách của đại bộ phận cư dân Phú Quý, vừa chất phác, nhân hậu, trọng tình, trọng nghĩa làng xóm, vừa đoàn kết, chịu khó trong lao động sản xuất; cùng nhau giữ bình yên hòn đảo tiền tiêu của tổ quốc.

Từ cái nôi nghệ thuật hát bội, hát ống, hát ví ngọt ngào, trữ tình của cha ông đã truyền lại cho thế hệ sau này và đã xuất hiện nhiều nhân tài sánh vai, thi thố với đất liền. Đầu thế kỷ 20 trên đảo đã có những người con giỏi chữ Nho, thông thạo chữ Nôm ghi lại nhiều sự kiện xẩy ra trên đảo xa bằng những vần thơ, bản nhạc, lời ca, những câu hò, vè lưu truyền cho thế hệ mai sau. Tiêu biểu là tập thơ vè “đi kinh” của nghệ nhân Bùi Quang Diệu với hơn 200 câu theo thể song thất lục bát. Gần đây, xuất hiện nhiều danh ca trẻ với giọng ca đặc sắc, như chàng trai xứ đảo Nguyễn Văn Hương đã làm não lòng bao người hâm mộ khi nghe anh hát những bài dân ca, cải lương hay nhạc trữ tình Bolero. Trong những năm 2017 đến 2021 Nguyễn Văn Hương – người con xứ đảo Phú Quý đã giành nhiều giải thưởng âm nhạc tại thành phố Hồ chí Minh.

LÊ THANH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Chúng ta biết gì về đóng góp của hoàng tộc Chăm trong “Tuần lễ vàng”
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trước những khó khăn chồng chất của tình thế cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã vận động nhân dân cả nước tham gia “Tuần lễ vàng” và xây dựng “Quỹ Độc Lập”.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giữ gìn văn hóa đặc thù trên đảo xa