Có mặt tại lò bánh của bà Mai, trong không gian ấm cúng, chuyện trò trong lúc bà làm việc, chúng tôi được quan sát và tìm hiểurõ thêm những công đoạn để làm ra một chiếc bánh tráng thành phẩm.
Với nghề làm bánh tráng, hằng ngày, bà Mai phải dậy từ rất sớm để vệ sinh bếp lò, lắng bột, trộn bột... Những vật dụng cần thiết để làm bánh tráng thành phẩm gồm: lò đất, nồi lớn có căng vải dùng để tráng bánh, một cái gáo dùng múc bột, một ống lăng lấy bánh và những chiếc vỉ phơi.
Bà Nguyễn Thị Xuân Mai đã “giữ lửa” nghề bánh tráng hơn 25 năm qua |
Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề làm bánh tráng, bà Mai cho biết, sau khi lập gia đình, bà được được mẹ “truyền” cho nghề làm bánh tráng. Nối nghiệp mẹ, bà Mai đã “giữ lửa” lò bánh từ đó đến nay. Ngày còn trẻ, mỗi ngày bà Mai tráng được tới 1.000 chiếc bánh để cùng chồng nuôi con ăn học. Ngày nay, ở độ tuổi lục tuần, khi các con đã ăn học tới nơi tới chốn, có việc làm ổn định và yên bề gia thất... cuộc sống gia đình đã tạm ổn thì đều khuyên bà nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già... Nhưng vì lòng yêu nghề, bà Mai vẫn kiên quyết bám trụ và duy trì nghề làm bánh tráng, bởi không còn sức khỏe như những ngày còn trẻ nên hiện nay mỗi ngày bà chỉ làm 20kg gạo với 400 chiếc bánh thành phẩm. Với giá bán lẻ 2.000 đồng/chiếc bánh, mỗi ngày, trừ tất cả các chi phí bà Mai kiếm được 150.000 đồng.
Bà Mai chia sẻ thêm: “Muốn gắn bó với nghề thì mình phải yêu nghề. Đặc biệt phải chịu khó vì nghề làm bánh phải luôn chân luôn tay.Trong quá trình tráng bánh, đòi hỏi người thợ phải nhanh nhẹn, khéo tay, bánh làm ra mới tròn và không bị rách”. Nhìn đôi bàn tay thoăn thoắt của bà Mai cho từng muỗng mè vào từng giá bột rồi nhanh chóng lắc đều từng giá bột mè để tiến tới công đoạn tráng bánh, tất cả đều được diễn ra nhanh chóng và thuần thục, quả thật đúng với câu nói “ trăm hay không bằng tay quen”.
Nhìn từng chiếc bánh thành phẩm, có lẻ nhiều người tưởng chừng như đơn giản nhưng để thành phẩm phải trải qua nhiều công đoạn: từ khâu chọn gạo, xay bột, nêm gia vị, tráng, phơi,... Phần bột cho mỗi chiếc bánh phải vừa vặn, tán bột phải đều tay sao cho chiếc bánh tròn, kích thước vừa đủ. Công đoạn lấy bánh từ lò ra vỉ cũng rất khó, bởi lúc này bánh vẫn còn ướt và dễ bị rách, người lấy bánh phải thật nhẹ nhàng, nâng niu đặt bánh lên mặt vỉ. Nhìn đơn giản, nhưng để có cái bánh đều, đẹp phải học và thực hành rất lâu. Quá trình phơi và lấy bánh cũng rất công phu. Bánh ra lò được phơi dưới ánh nắng mặt trời ... Nghề tráng bánh nhọc nhằn hơn vào mùa mưa và phụ thuộc vào thời tiết, người làm phải quan sát hôm nào không có nắng để phơi thì ngưng hoạt động vì sợ bánh bị sượng....
Mặc dù nghề tráng bánh cực nhọc như vậy nhưng bà Mai vẫn “nặng lòng” với nghề, một phần là kiếm thêm thu nhập phụ giúp con cái, phần vì yêu nghề là chính. Để có một chiếc bánh thành phẩm, người làm bánh phải ngâm gạo từ bốn đến năm tiếng, sau đó vo gạo cho sạch nước đục rồi cho vào cối xay thành bột. Song bột cũng phải ngâm qua đêm sáng hôm sau mới tráng được. Và đặc biệt người làm phải vô cùng lưu ý công đoạn “pha bột” bởi mỗi mẻ bánh thành công hay thất bại phụ thuộc vào công đoạn này. Bột khô hay nhão sẽ khiến bánh không ngon hoặc bị hư... Với kinh nghiệm hơn 25 năm trong nghề làm bánh tráng, bánh tráng của bà Mai được nhiều người biết đến vì bí quyết làm bột, cách pha bột trộn gia vị và giữ được hương vị thơm đậm của bột dẻo, dai và giá cả hợp lý, nên được nhiều khách hàng, mối hàng ưa chuộng.
Bánh tráng nướng thơm giòn là món ăn ưa thích của nhiều người, đặc biệt trong mỗi dịp Tết đến Xuân về, từ xưa đến nay, trong mâm cỗ ngày Tết của mỗi gia đình dù thịnh soạn hay đơn sơ đều không thể thiếu món bánh tráng. Chính vì thế mà vào những ngày trước Tết Nguyên Đán, nhiều người lại tìm mua bánh tráng của bà Mai về ăn và làm quà cho người thân, thậm chí có người mua gửii sang nước ngoài… Nhận thấy đây là món ăn luôn được thị trường đón nhận bà Mai đã mạnh dạn xây lò và “giữ lửa”nghề bánh tráng trên vùng đất đất La Gi quê hương hơn 25 năm qua.
Rạng Đông