Chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù được ban hành nhằm tạo điều kiện giúp gia đình có người mãn hạn tù tiếp cận nguồn vốn để học nghề, sản xuất, kinh doanh, có nguồn thu nhập và ổn định cuộc sống. Qua đó, góp phần làm giảm tỷ lệ tội phạm, tái phạm, đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Theo đó, đối tượng vay vốn là người chấp hành xong án phạt tù đã được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù và người được đặc xá đã được cấp giấy chứng nhận đặc xá; cơ sở sản xuất, kinh doanh (bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh) có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù. Về điều kiện vay vốn, người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu vay vốn; có tên trong danh sách người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội, do công an cấp xã lập và được UBND cấp xã xác nhận; thời gian kể từ khi chấp hành xong án phạt tù đến thời điểm vay vốn tối đa là 5 năm.
Theo báo cáo của Công an tỉnh, hàng năm số người chấp hành xong án phạt tù về cư trú trên địa bàn tỉnh bình quân khoảng 1.000 người. Kết quả vay vốn đối với người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã thẩm định hồ sơ, giải quyết cho vay vốn để sản xuất, kinh doanh đến thời điểm này là 34 trường hợp với số tiền 2,84 tỷ đồng. Cụ thể, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội tại các địa phương giải ngân gồm: Đức Linh 4 khách hàng (KH), Tánh Linh 6 KH, Hàm Tân 1 KH, Hàm Thuận Nam 4 KH, Hàm Thuận Bắc 6 KH, Bắc Bình 5 KH, Tuy Phong 1 KH và Phú Quý 7 KH. Qua kiểm tra xác minh của Công an các cấp, hầu hết các trường hợp vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, triển khai kinh doanh, sản xuất có hiệu quả và hoàn trả vốn vay đúng thời gian quy định. Đặc biệt chưa phát hiện trường hợp nào có biểu hiện vi phạm pháp luật, đa số đều chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương.
Mới đây, Công an tỉnh phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã ký kết quy chế phối hợp về hoạt động tín dụng chính sách và tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định số 22 ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo quy chế, 2 đơn vị ký kết phối hợp về ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, triển khai thực hiện các nội dung liên quan tín dụng chính sách xã hội, gồm: Cho vay người chấp hành xong án phạt tù; phối hợp rà soát, xử lý đối với khách hàng vay vốn đi khỏi nơi cư trú, lập hồ sơ xử lý nợ bị rủi ro đối với khách hàng vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội; phối hợp khai thác, ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử trong hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tái hòa nhập cộng đồng; tư vấn về trình tự, thủ tục cho người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sản xuất kinh doanh vay vốn đào tạo nghề, tạo việc làm, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ chuyên ngành nhằm thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội. Cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi ngành. Huy động vốn, giám sát sử dụng vốn, thu hồi vốn vay theo quy định của pháp luật. Đồng thời, thực hiện báo cáo, thống kê; tổ chức sơ kết, tổng kết theo chỉ đạo của UBND tỉnh, cấp có thẩm quyền và các nhiệm vụ khác do thủ trưởng hai đơn vị thống nhất, phân công trong quá trình thực hiện quy chế này.
Theo khảo sát của ngành chức năng hiện nay số người chấp hành xong án phạt tù đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn là 155 trường hợp, với tổng số tiền dự kiến vay là 15,5 tỷ đồng. Để người dân thuộc đối tượng được tiếp cận nguồn vốn và phát huy hiệu quả vốn vay, lực lượng công an đang tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh rà soát đối tượng và xác nhận kịp thời các trường hợp người chấp hành xong án phạt tù đủ điều kiện vay vốn sản xuất, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.