Theo dõi trên

Gỡ khó dạy học môn tích hợp ở bậc trung học cơ sở

15/12/2023, 05:53

Năm học 2023-2024 là năm học thứ ba ngành Giáo dục triển khai thực hiện dạy học môn khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý, hoạt động hướng nghiệp trải nghiệm ở cấp trung học cơ sở (gọi môn tích hợp). Đây là nội dung mới và khó trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới nên không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc và lúng túng ban đầu.

Ông Lương Văn Hà – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Trong những năm qua, việc thực hiện đổi mới chương trình GDPT 2018 luôn được UBND tỉnh và các ngành, các cấp quan tâm; công tác đầu tư, mua sắm trang thiết bị, phương tiện dạy học phục vụ giảng dạy chương trình GDPT 2018 kịp thời. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) triển khai đầy đủ các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về việc dạy học các môn tích hợp. Đồng thời, đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức cho giáo viên tham gia và hoàn thành các khóa bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng dạy các môn khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý, hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp. Bên cạnh đó, hướng dẫn các cơ sở giáo dục sắp xếp và bố trí giáo viên dạy học tất cả các phân môn, môn tích hợp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị. Tăng cường đổi mới sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn theo nghiên cứu bài học và thảo luận, thống nhất kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ...

4e6f2651-eac3-496a-a6b8-86ef5c46f92a.jpeg
Một tiết dạy học tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú Hàm Thuận.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức dạy học môn tích hợp ở các cơ sở giáo dục trong tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Về môn KHTN, chủ đề thuộc phân môn hóa học, vật lý, sinh học với thời lượng 4 tiết/tuần so với năng lực của học sinh cấp THCS là quá tải. Các đồ dùng dạy học của từng phân môn thì giáo viên của các phân môn khác khó nắm bắt đầy đủ cách sử dụng và hướng dẫn cho học sinh học, nhất là về hóa chất, nguyên lý hoạt động…Về bố trí, sắp xếp giáo viên, phân công giáo viên dạy các phân môn của môn học KHTN còn gặp khó khăn trong xây dựng kế hoạch dạy học, tính tỷ lệ % tiết dạy. Về kiểm tra, đánh giá, khó khăn trong quá trình phân bổ hợp lý các cột điểm thường xuyên cho mỗi phân môn, ít nhiều ảnh hưởng đến việc kiểm tra đánh giá định kỳ. Về môn lịch sử và địa lý, đa số các giáo viên dạy môn tích hợp lịch sử và địa lý chưa được đào tạo chuyên sâu các môn tích hợp. Các bài học địa lý chiếm nhiều dung lượng, các bài thực hành lịch sử khó thực hiện có hiệu quả vì liên quan đến đi thực địa, tìm hiểu hiện vật và di tích lịch sử… trong khi không có nguồn kinh phí nên chủ yếu giáo viên và học sinh chỉ tiến hành trên lớp thông qua các tiết dạy ứng dụng công nghệ thông tin... Tương tự, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp giáo viên chưa có chuyên môn sâu; việc kiểm tra, đánh giá chưa có hướng dẫn cụ thể.

Khó khăn về việc dạy học môn tích hợp tại các cơ sở giáo dục trong tỉnh cũng là khó khăn chung của ngành giáo dục. Tại hội nghị tập huấn toàn quốc về dạy môn tích hợp trong chương trình GDPT mới do Bộ GD&ĐT tổ chức vào cuối tuần qua, đại diện Bộ GD&ĐT đã đưa ra các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ cho các địa phương và cơ sở giáo dục. Cụ thể, với tích hợp, các nhà trường phân công giáo viên phù hợp năng lực chuyên môn với nội dung dạy học (theo mạch nội dung lớn của chương trình môn học hoặc theo các chủ đề). Bộ GD&ĐT khuyến khích phân công giáo viên đã được bồi dưỡng chuyên môn đảm nhận việc dạy học 2 mạch nội dung hoặc toàn bộ chương trình môn học nhưng phải thực hiện từng bước, bảo đảm yêu cầu về năng lực chuyên môn và sự tự tin, sẵn sàng của giáo viên để bảo đảm chất lượng dạy học. Việc xây dựng kế hoạch dạy học tổ chức linh hoạt về thời gian, thời điểm thực hiện các mạch nội dung lớn của chương trình hoặc các chủ đề trong từng mạch nội dung lớn của chương trình. Với hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, nhà trường cần xây dựng kế hoạch giáo dục theo từng chủ đề. Thời khóa biểu linh hoạt, không bắt buộc phải thực hiện lần lượt các chủ đề theo trình tự trong sách giáo khoa, tránh quá tải đối với giáo viên tại thời điểm thực hiện chủ đề được phân công…

Theo đó, với các giải pháp đưa ra, địa phương sẽ triển khai thực hiện trên tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo nhưng đảm bảo khoa học, hợp lý, bám sát chương trình, yêu cầu của Bộ GD&ĐT, phù hợp với điều kiện thực tiễn.

THANH THUỶ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Hàm Thuận: Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi
Những năm học qua, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) Hàm Thuận (huyện Hàm Thuận Bắc) đã không ngừng củng cố, hoàn thiện về cơ sở vật chất và đổi mới chương trình dạy học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS), phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho địa phương.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gỡ khó dạy học môn tích hợp ở bậc trung học cơ sở