Những chuyển biến
Tuy Phong hiện có 377 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn huyện. Trong đó, có 4 chi bộ, Đảng bộ cơ sở và 5 chi bộ doanh nghiệp trực thuộc các xã, thị trấn với 230 đảng viên. Nhìn chung, các tổ chức Đảng đã thể hiện được vai trò, vị trí của mình, góp phần tích cực vào sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thành Siêng – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tuy Phong cho biết, Ban Thường vụ Huyện ủy rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, phát triển đảng viên và thành lập các đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước . “Định kỳ hàng quý, 6 tháng, 9 tháng và năm, Ban chỉ đạo duy trì họp, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện và xác định nhiệm vụ tiếp tục thực hiện trong thời gian đến. Chỉ đạo các đoàn thể huyện thường xuyên rà soát lực lượng đoàn viên, hội viên của tổ chức mình đang công tác, làm việc, lao động trong các doanh nghiệp để phát hiện, giới thiệu để cấp ủy các xã, thị trấn giúp đỡ, bồi dưỡng, tạo nguồn xem xét, phát triển Đảng nếu đủ điều kiện và tiêu chuẩn”, ông Siêng chia sẻ. Với những cách làm trên, năm 2022 huyện Tuy Phong thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, đó là kết nạp được 21/20 đảng viên trong doanh nghiệp (đạt 105% chỉ tiêu BCĐ tỉnh giao).
Đối với Đảng bộ Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, hiện có 80 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc, với hơn 5.560 đảng viên. Trong 80 chi, Đảng bộ cơ sở có 9 tổ chức cơ sở Đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước (gồm 5 chi bộ cơ sở và 4 Đảng bộ cơ sở), với tổng số hơn 520 đảng viên. Hiện nay, ngoài việc quản lý tổ chức Đảng, đảng viên hiện có, Đảng ủy Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh còn được Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao cho thẩm quyền xem xét, quyết định thành lập tổ chức cơ sở Đảng, thực hiện công tác bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp đảng viên trong các doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Võ Duy Dương – Trưởng Ban Tổ chức Đảng bộ Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đã tập trung lãnh, chỉ đạo cấp ủy các tổ chức cơ sở Đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước phát huy vai trò, trách nhiệm cùng với chủ doanh nghiệp đề ra các giải pháp, chiến lược sản xuất kinh doanh; lãnh đạo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên thực hiện hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng và phát triển công ty, doanh nghiệp trên các mặt. Qua đó góp phần làm cho giới chủ doanh nghiệp ngày càng nhận thức rõ hơn về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ủng hộ, tạo điều kiện để thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể và tạo điều kiện để tổ chức Đảng, đoàn thể hoạt động. Nhờ quyết tâm cao và thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nên công tác xây dựng, phát triển tổ chức Đảng, đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được kết quả đáng khích lệ, hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ do Ban Chỉ đạo tỉnh giao. Năm 2022, kết nạp được 28 đảng viên/25 chỉ tiêu, trong đó có 1 chủ doanh nghiệp tư nhân; thành lập được 1 chi bộ cơ sở và 1 chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở.
Hiện nay, Đảng bộ tỉnh có 1.373 đảng viên đang sinh hoạt tại 71 tổ chức Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Trong năm 2022 toàn tỉnh thành lập được 5 tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, vượt 66.67% chỉ tiêu đề ra; đồng thời kết nạp được 99 đảng viên mới.
Vẫn còn những khó khăn
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 8.200 doanh nghiệp đang hoạt động. Nhìn nhận thực tế, tỷ lệ tổ chức Đảng, đảng viên trên tổng số lao động trong khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn thấp. Điều này cho thấy vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” trong công tác phát triển Đảng ở doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương để đánh giá kết quả thực hiện công tác năm 2022 và cho ý kiến chương trình công tác năm 2023 vừa diễn ra, nhiều đại biểu cho rằng, vai trò, trách nhiệm, việc phối hợp hoạt động giữa các ban chỉ đạo cấp huyện với các cơ quan, đoàn thể có liên quan chưa được phát huy đúng mức. Công tác giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng doanh nghiệp của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước thực hiện còn lúng túng; tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, do biến động kinh tế chung của thế giới và của đất nước; việc tiếp cận với doanh nghiệp để vận động, thuyết phục thành lập và phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước hiệu quả chưa cao; công tác rà soát, nắm bắt tình hình các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, bồi dưỡng tạo nguồn phát triển đoàn viên, hội viên, đảng viên chưa được quan tâm đúng mức…
Để tháo gỡ những khó khăn trên, đồng chí Nguyễn Thanh Nam - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đảng, các đoàn thể Nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước của tỉnh cho biết cần đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; xây dựng tổ chức Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên; nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ phù hợp với điều kiện cụ thể của từng doanh nghiệp, vận dụng thí điểm sinh hoạt Đảng trực tuyến ở Đảng bộ cơ sở, chi bộ có tính chất đặc thù. Thường xuyên phát động phong trào thi đua lao động sản xuất, năng suất - chất lượng- hiệu quả trong doanh nghiệp. Qua đó phát hiện những nhân tố tích cực giới thiệu cho tổ chức Đảng.
“Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, tạo nguồn giới thiệu để tổ chức Đảng xem xét, kết nạp công nhân, người lao động ưu tú trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước vào Đảng. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng quần chúng ưu tú là chủ doanh nghiệp tư nhân để xem xét, kết nạp vào Đảng, đồng thời tăng cường gặp gỡ, đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền các cấp với các chủ doanh nghiệp để nắm tình hình và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ, đôn đốc các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ hoạt động, cải thiện đầu tư có hiệu quả…”, đồng chí Nguyễn Thanh Nam - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy nhấn mạnh.