Nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh, Bộ Công an cho biết, theo quy định của Luật Căn cước công dân (CCCD) năm 2014 và Nghị định 117 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật CCCD thì người được cấp CCCD là “công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên đã được đăng ký thường trú”. Như vậy, theo quy định hiện hành, để được cấp thẻ căn cước công dân thì công dân phải có nơi thường trú.
Đối với trường hợp là người gốc Việt Nam chưa được đăng ký thường trú thì Bộ Công an đang trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật CCCD sửa đổi (dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024). Trong đó, đã bổ sung quy định cấp giấy chứng nhận căn cước đối với các trường hợp người gốc Việt Nam chưa được đăng ký thường trú (người không có nơi thường trú, tạm trú do không đủ điều kiện, người chưa xác định quốc tịch Việt Nam; người không có giấy tờ tùy thân...) qua đó sẽ bảo đảm cơ sở pháp lý để giải quyết cấp giấy chứng nhận căn cước đối với các trường hợp này, bảo đảm quyền lợi ích hợp pháp của công dân, tạo điều kiện cho công dân có các loại giấy tờ tùy thân để thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính.
Đối với trường hợp là người Việt Nam nhưng chưa có đăng ký thường trú (trường hợp dân di cư tự do), Bộ Công an đã chỉ đạo nghiên cứu xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật để phát huy quyền tự do cư trú cũng như thực hiện có hiệu quả công tác đăng ký quản lý cư trú. Theo đó, đã trình Quốc hội ban hành Luật Cư trú năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 62 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú. Trong đó, bổ sung nội dung: “Đối với những trường hợp không có cả nơi thường trú, nơi tạm trú thì thực hiện thủ tục khai báo thông tin về nơi cư trú, cơ quan chức năng tổ chức xác minh và cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp số định danh cá nhân và cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú cho công dân. Người đã được cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú có trách nhiệm đăng ký thường trú hoặc tạm trú ngay khi đủ điều kiện theo quy định của Luật Cư trú. UBND cấp xã căn cứ vào giấy xác nhận thông tin về cư trú của công dân và thông tin công dân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tiến hành cập nhật thông tin về hộ tịch và cấp giấy tờ liên quan đến nhân thân cho công dân theo thẩm quyền.
Mặt khác, Bộ Công an đã kiến nghị Bộ Tư pháp chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy khai sinh cho công dân, tạo điều kiện cho công dân đăng ký cư trú, khai báo thông tin về cư trú, khai báo thông tin về nơi ở hiện nay, từ đó được cấp các loại giấy tờ tùy thân. Đề nghị nghiên cứu có cơ chế mở đối với nhóm người không có giấy tờ tùy thân bằng đơn cam đoan thay cho các giấy tờ theo quy định, kết hợp với tra cứu, đối chiếu với các cơ sở dữ liệu có liên quan để giải quyết về hộ tịch, cư trú cho công dân, bảo đảm yêu cầu chính trị, pháp luật.