Tăng khoảng 30%
Đi dọc xóm Bến Đò (thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong) những ngày này, dễ dàng bắt gặp hình ảnh các giàn phơi cá bằng tre, nứa được dựng lên 2 bên đường với mùi đặc trưng của các loại cá biển. Những vỉ cá, mực xếp dọc dài với những mẻ cá tươi ngon được dân biển chuẩn bị phục vụ tết. Chị em phụ nữ thì xúm nhau xẻ cá, ướp gia vị, thanh niên thì đem cá ra phơi, canh trở đều 2 mặt. Không khí những ngày giáp tết nơi vùng biển có vẻ nhộn nhịp hơn, tất bật hơn và những lao động biển nơi đây hy vọng có cá thật nhiều để họ có chi phí sắm tết cho gia đình.
Thông thường, vào thời điểm vụ cá nam, những cơ sở, sản xuất cá khô sẽ tranh thủ nguồn cung dồi dào gom hàng phơi bán tết. Tuy nhiên, vào tháng 8 – 9/2022, giá xăng dầu tăng cao kỷ lục, biến động không ngừng, có thời điểm hụt nguồn cung, nên nhiều ghe thuyền không thể ra khơi, khiến sản lượng hải sản vô cùng khan hiếm. Thêm vào đó, vào vụ bấc thời tiết không thuận lợi, gió bấc thổi liên tục những tháng cuối năm, nên đa số ghe thuyền nằm bờ, những loại cá để làm hàng khô như cá nhồng, chỉ, cơm, ét... không dồi dào như những năm trước. Theo chủ cơ sở Kim Phượng (khu phố Minh Tân – thị trấn Phan Rí Cửa) chuyên cung cấp cá, mực khô chia sẻ: “Những năm trước, thời điểm này mực rất nhiều, chúng tôi sẽ gom hàng thuê người xẻ phơi, cung cấp mực khô cho khách ở các tỉnh như TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng… Năm nay, không chỉ mực hiếm mà các loại cá cũng ít dần mặc dù nhà có tàu đi biển thường xuyên và tranh thủ gom từ nhiều đầu mối khác. Do đó, khô biển năm nay sẽ tăng giá cao do nguồn cung khan hiếm”. Chị Phượng cho biết thêm, những năm trước chị trữ hơn 1 tấn cá, mực khô các loại bán tết. Nhưng năm nay, nguồn hàng ấy giảm một nửa và giá cả bắt đầu nhích dần. Hiện tại, khô cá đù, chỉ, nhồng, ướp giấy, dảnh, hố, đục trắng… có giá 250.000 – 400.000 đồng/kg, tăng khoảng 20 – 30% so mọi năm và mực khô có giá trung bình từ 700.000 – 1,2 triệu đồng/kg, tùy loại.
Đảm bảo chất lượng
Chia sẻ bí quyết làm hải sản khô thơm ngon, chị Trinh – một người có thâm niên trong nghề ở thị trấn Phan Rí Cửa cho biết, nguyên liệu chỉ có cá và muối, không cho thêm bất cứ gia vị nào. Tuy nhiên, hải sản khô ngon hay dở tùy vào “tay nghề” của người rửa cá và ướp muối. Cá phải rửa thật sạch, còn người ướp muối phải có kinh nghiệm để cho ra mẻ khô vừa ăn, không quá mặn mà cũng không quá nhạt. Đặc biệt là ở khâu phơi, nếu cá phơi thiếu nắng thì sản phẩm dễ hư và thời gian sử dụng không lâu. Thông thường, cá chỉ cần phơi 3 nắng là đạt yêu cầu.
Tuy nguồn nguyên liệu không dồi dào, giá cả tăng mạnh nhưng theo các vựa hải sản khô, chất lượng vẫn đảm bảo, mẫu mã đẹp và cung cấp nguồn hàng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Bên cạnh việc gom hàng, chế biến các loại cá bống, cá chai, de… để xuất đi thị trường Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, thì Công ty Thương mại Hải Tiến (Khu chế biến hải sản Nam Phan Thiết) cũng không quên đáp ứng thị trường hải sản khô trong và ngoài tỉnh. Những năm gần đây, công ty đã đầu tư nhà lồng với giàn lưới rộng hơn 500 m2 để phơi cá. Chị Trần Thị Thanh Thanh, đại diện công ty cho biết: “Bên cạnh việc đáp ứng yêu cầu khắt khe của các nước xuất khẩu, công ty đầu tư nhà lồng phơi cá cũng nhằm phục vụ nhu cầu hải sản khô của người dân trong và ngoài tỉnh. Phơi cá trong lồng sẽ hạn chế tình trạng ruồi nhặng, bụi bẩn và các loài chim sà xuống ăn cá gây mất vệ sinh. Năm nay, sản lượng cá ít hơn mọi năm, nhưng chất lượng thì vẫn đảm bảo”.
Năm nay, tuy kinh tế đang từng bước phục hồi, nhưng đời sống người dân còn nhiều khó khăn, do đó giá hải sản khô tăng mạnh sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến sức mua của người dân. Đây là mặt hàng tiêu thụ nhiều trong ngày tết, dành tặng người thân, bạn bè, người lao động, quà biếu đối tác… Do đó một số người đã tranh thủ đặt hàng trước với những loại cá có giá trung bình, vì sợ cận tết giá lại lên cao nhưng không có hàng cung cấp.