Viện KSND huyện Hàm Thuận Bắc vừa có kiến nghị gửi Chủ tịch UBND huyện áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật. Theo đó, trong thời gian qua, tình hình tội phạm xâm hại tình dục nói chung và tội phạm XHTDTE nói riêng trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc có chiều hướng gia tăng. Năm 2022, Viện KSND huyện thụ lý 3 tin báo, năm 2023 là 5 tin báo tội phạm XHTDTE. Nhưng chỉ từ ngày 1/12/2023 đến nay, đã thụ lý 12 tin báo (tăng 7 tin so với cả năm 2023). Trong số những vụ việc này đã có 1 nạn nhân mang thai. Đây là hồi chuông báo động cho sự tha hóa về nhân cách, suy đồi về đạo đức, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Các đối tượng phạm tội thường lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết của các cháu gái để thực hiện hành vi XHTDTE.
Theo Viện KSND huyện Hàm Thuận Bắc nguyên nhân xảy ra tình trạng trên là do các đối tượng thực hiện loại tội phạm này chưa nhận thức được tính nghiêm khắc của hình phạt pháp luật quy định. Cùng với việc các văn hóa phẩm đồi trụy ngày càng xuất hiện nhiều trên không gian mạng, làm cho tâm lý, nhân cách đối tượng trở nên méo mó, tha hóa, biến chất. Sự phát triển của đời sống xã hội, các cháu nhỏ ngày càng được tiếp xúc sớm với không gian mạng, trong đó có nhiều video clip văn hóa phẩm đồi trụy dẫn đến tình trạng các cháu có nhận thức sai lầm về tình yêu, tình dục. Từ đó, các cháu dễ dàng bị các đối tượng lợi dụng, dụ dỗ để thực hiện hành vi giao cấu. Sự phối hợp quản lý giáo dục giữa gia đình, nhà trường và xã hội chưa được tốt. Một số giáo viên và bố mẹ các cháu chưa thật sự hiểu rõ tầm quan trọng của việc giáo dục giới tính, còn ngần ngại trong việc chia sẻ và định hướng cho các cháu về việc phòng, tránh bị xâm hại tình dục.
Hậu quả để lại sau những vụ việc XHTDTE là rất lớn với những tổn thương về tinh thần khiến các em phát triển không bình thường về tâm, sinh lý, ảnh hưởng đến tương lai của các em sau này.
Xuất phát từ tình hình thực tiễn trên, Viện KSND huyện Hàm Thuận Bắc kiến nghị Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Trẻ em năm 2016, sửa đổi, bổ sung năm 2018, các Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Tập trung chỉ đạo xử lý quyết liệt các vụ XHTDTE, đảm bảo mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật, đảm bảo các quyền và lợi ích tốt nhất cho trẻ em.
Viện KSND huyện cũng kiến nghị Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Văn hóa thông tin, Hội Liên hiệp phụ nữ, Huyện đoàn, UBND các xã, thị trấn… và các cơ quan có liên quan đẩy mạnh công tác giáo dục tuyên truyền, phòng ngừa với nhiều hình thức, nội dung phong phú, thiết thực, phù hợp. Trọng tâm là thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền phổ biến sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, trong các cơ quan đơn vị, trường học, gia đình… về chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đối về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, gắn liền với việc tuyên truyền thực hiện chương trình phòng, chống tội phạm qua đó nâng cao ý thức pháp luật, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng ngừa tội phạm XHTDTE. Thường xuyên tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm ở các nhà trường, câu lạc bộ, nhà văn hóa, nơi công cộng hoặc thông qua các buổi họp tổ dân phố, cụm dân cư, sinh hoạt đội, chi đoàn cơ sở để thông báo về các loại hành vi, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm XHTDTE, các mối nguy hiểm và các điều kiện, khả năng, hoàn cảnh dẫn đến trẻ em bị xâm hại. Thông qua các loại hình truyền thông, website, các mạng xã hội như: Facebook, Zalo… biên soạn các bài viết, các câu chuyện cảnh giác để thông báo về tình hình, thủ đoạn hoạt động của tội phạm và vi phạm pháp luật về XHTDTE...