Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam cho biết: Trong những năm qua, tình hình kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS trong huyện có bước phát triển đáng kể, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Nhà nước đã đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng cho các xã vùng cao, như: Hệ thống giao thông, điện thắp sáng, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt, cấp đất cho các hộ dân sản xuất và hỗ trợ phát triển sản xuất, chăn nuôi. Các xã vùng cao đã có đường láng nhựa đến trung tâm cụm xã, tạo điều kiện cho các hộ dân đi lại sản xuất, vận chuyển hàng hóa thuận lợi và tất cả các hộ dân đã sử dụng điện lưới quốc gia. Các ngành chức năng tỉnh đã đầu tư thi công tuyến đường vào Khu dân cư Lò To, xã Hàm Cần; xây dựng tuyến kênh N8, N6, N4, kênh Láng Mã, xã Hàm Cần, tuyến kênh đồng ruộng Mắc Cỡ, xã Mỹ Thạnh, tuyến kênh Mương Ngựa, xã Tân Thuận, nhằm phục vụ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp ở các xã vùng đồng bào DTTS. Các hộ dân ở xã Mỹ Thạnh, Hàm Cần đã sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt từ 90 – 95%. Từ nguồn vốn chương trình phòng chống thiên tai, UBND huyện đã phân bổ, hỗ trợ 80 bồn chứa nước (loại 1.500 lít) cho 2 xã Hàm Cần, Mỹ Thạnh, nhằm khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô. Nhà văn hóa xã, thôn, khu thể thao đã được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện cho bà con DTTS sinh hoạt, vui chơi giải trí. Ngoài ra, UBND huyện đã cấp 714,5 ha đất cho 640 hộ sản xuất, trong đó xã Hàm Cần 538 ha/447 hộ dân, Mỹ Thạnh 127,5 ha/144 hộ dân, Tân Lập 48 ha/24 hộ dân. Các đơn vị chủ rừng đã giao khoán 7.922,9 ha rừng tự nhiên cho 205 hộ đồng bào DTTS quản lý, bảo vệ rừng, tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống gia đình. Cụ thể đã giao khoán 2.259 ha rừng/59 hộ dân ở xã Hàm Cần, giao khoán 3.745,99 ha rừng/96 hộ dân xã Mỹ Thạnh, giao khoán 1.917,5 ha rừng/50 hộ dân xã Tân Thuận. Riêng xã Mỹ Thạnh còn có 27 hộ đồng bào DTTS được giao khoán bảo vệ 2.000 ha rừng từ dịch vụ môi trường rừng và 21 hộ dân tộc xã Hàm Cần được giao khoán bảo vệ 904 ha rừng theo chương trình khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên.
Tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện là 3.726 ha, trong đó diện tích cây lúa nước 456 ha, còn lại là đất trồng cây hoa màu, cây thanh long. Các ngành chức năng huyện cùng với chính quyền địa phương đã tập trung tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhằm từng bước tạo ra sản phẩm nông sản có giá trị kinh tế cao. Các xã vùng cao đã xác định được các loại cây trồng chủ lực là lúa, bắp lai và đồng bào Chăm ở xã Tân Thuận xác định cây trồng chủ lực là thanh long. Đồng thời, UBND huyện đã vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện đóng góp hỗ trợ đúc 5.600 trụ trồng thanh long cho 56 hộ nghèo, hộ cận nghèo ở xã Hàm Cần, Mỹ Thạnh. Hàng năm, Trung tâm Kỹ thuật - Dịch vụ nông nghiệp huyện đã mở các lớp tập huấn, hội thảo, trình diễn các mô hình trồng lúa nước, đậu xanh, bắp lai; kỹ thuật chăn nuôi bò, dê, gà ri và phương pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đầu tư hỗ trợ giống, vật nuôi, phân bón, vật tư nông nghiệp cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo ở vùng cao Hàm Cần, Mỹ Thạnh theo Chương trình 135 của Chính phủ. Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh đã đầu tư ứng trước, trợ cước trợ giá, vận chuyển giống, vật tư hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào DTTS các xã vùng cao.
Nhờ vậy, đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam ngày càng được cải thiện, bộ mặt xã hội các xã vùng cao có nhiều khởi sắc. Từng bước xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.