Mô hình đầu tiên của cả nước
Huyện Hàm Thuận Nam là địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện được việc công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo điều 10, Luật Thủy sản năm 2017. Huyện đã thành lập được 3 Hội cộng đồng ngư dân với 288 thành viên tham gia, thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản với diện tích vùng biển được giao quyền là 43,4 km. Các hội đã hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước tuyên truyền trong ngư dân và vận động 100% hội viên chấp hành đúng các quy định của pháp luật về khai thác thủy sản. Qua đó, nhận thức của người dân về công tác bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản được nâng cao. Người dân thấy rõ được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc chung tay, chia sẻ cùng các cơ quan chức năng để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản…
Bên cạnh đó, các hội đã tổ chức thi công 41 điểm rạn nhân tạo trên biển để đánh dấu, ngăn chặn nghề lưới kéo, tạo nơi sinh sống, sinh sản cho nguồn lợi. Riêng Hội cộng đồng xã Thuận Quý đã huy động và đóng góp kinh phí mua lại 113,4 tấn sò lông bị người dân khai thác thả về biển. Qua thời gian triển khai thực hiện, hoạt động khai thác hủy diệt trong vùng biển thực hiện đồng quản lý so với trước đây có xu hướng giảm, hạn chế được những thiệt hại về tài sản do lưới kéo gây ra. Đặc biệt, đã khôi phục bãi sinh sản của nguồn lợi sò lông tại Thuận Quý, các bãi rạn, bãi san hô ngầm được bảo vệ cùng với việc thả bổ sung các cụm rạn nhân tạo, giúp nguồn lợi thủy sản sinh sôi, góp phần tăng thu nhập cho ngư dân vùng biển. Không chỉ vậy, các hội đã xây dựng và vận hành được 3 quỹ vay vốn sinh kế với tổng vốn ban đầu là 440 triệu đồng. Thông qua nguồn quỹ này, các hội viên có thể vay xoay vòng để đầu tư vào các hoạt động nông nghiệp, thủy sản, dịch vụ nhỏ lẻ, tạo điều kiện cho ngư dân vượt qua khó khăn, nâng cao thu nhập.
Cần phát huy vai trò của chính quyền
Tuy các hội cộng đồng ngư dân hình thành, hoạt động đạt một số kết quả bước đầu, nhưng việc huy động đóng góp từ thành viên còn ít nên chưa triển khai được nhiều hoạt động có kinh phí lớn, trong khi chưa có quy định về cơ chế tài chính để hỗ trợ thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Bên cạnh đó, tình hình vi phạm pháp luật trong vùng biển đồng quản lý vẫn còn xảy ra, một bộ phận ngư dân trong vùng vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong khi vai trò của cộng đồng chỉ mới dừng lại ở việc theo dõi và cung cấp tin cho lực lượng chức năng. Hội còn thiếu kinh phí và phương tiện nên chưa tổ chức nhiều hoạt động tuần tra bảo vệ…
Từ mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở địa phương, lãnh đạo Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện cho biết, để mô hình phát triển bền vững, cần tăng cường hơn nữa công tác truyền thông, tuyên truyền về hiệu quả thực hiện mô hình, từ đó vận động người dân tích cực tham gia. Nâng cao, phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền, các hội, đoàn thể tại địa phương trong triển khai các hoạt động của mô hình. Ngoài ra, cần xây dựng đội ngũ Ban chấp hành các Hội cộng đồng vững mạnh, có đủ năng lực, tự chủ động thông qua lựa chọn những người có tâm huyết, có uy tín cao trong cộng đồng. Tăng cường sự liên kết chặt chẽ giữa các Hội cộng đồng nhằm hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau trong các hoạt động. Vận động cộng đồng có những đóng góp về nguồn lực (tài chính, công sức, phương tiện, thiết bị...) cho mô hình để tăng trách nhiệm thực hiện.
Việc xây dựng, vận hành các hội đã được Nghị định của Chính phủ quy định, hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, đảm bảo đầy đủ tính pháp lý và được thừa nhận rộng rãi hơn các tổ chức cộng đồng khác. Do đó, việc xây dựng hồ sơ xin công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản cần phải có sự hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn và tham gia của cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương và cần phải được tham vấn, lấy ý kiến rộng rãi trong cộng đồng trước khi phê duyệt, thực hiện.