Nếu như 10 năm trước, nhắc đến Hàm Thuận Nam, người ta chỉ biết những vườn thanh long xanh ngút ngàn và các chuyến xe container nối đuôi nhau chở nông sản đi tiêu thụ. Nhưng 5 năm gần đây, nông dân trong huyện đã khá nhạy bén trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đổi mới cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nhờ đó đa dạng hóa sản phẩm.
Theo ông Trần Xuân Thủ - Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo phong trào NDSXKDG, Chủ tịch Hội Nông dân huyện: Vốn và kỹ thuật là yếu tố quan trọng trong sản xuất. Vì thế hội nông dân các cấp đã chủ động phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội và Quỹ hỗ trợ nông dân hướng dẫn, tạo điều kiện để nông dân vay phát triển sản xuất. Song song đó, tổ chức hàng trăm lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, cho hội viên tham quan các mô hình sản xuất giỏi ở trong và ngoài tỉnh. Chỉ trong vòng 5 năm (từ năm 2017 đến năm 2022), toàn huyện có 7.892 hộ nông dân SXKDG các cấp theo tiêu chí mới. Trong đó có 37 hộ đạt danh hiệu cấp Trung ương. Có thể kể đến các gương nông dân tiêu biểu trong sản xuất nông nghiệp như ông Nguyễn Văn Ẩn (xã Hàm Mỹ), Bùi Ngọc Lê (thị trấn Thuận Nam), Nguyễn Văn Tám (xã Thuận Quý). Trong mô hình làm vườn kết hợp chăn nuôi có ông Lê Văn Ngọ, Phạm Văn Tám (xã Hàm Cần). Sản xuất nông nghiệp kết hợp với kinh doanh thanh long có hộ ông Đỗ Quốc Phong (thị trấn Thuận Nam), Lê Hoài Ân (xã Tân Lập). Nuôi ếch lấy thịt, sản xuất con giống và nuôi ghép với cá rô có ông Nguyễn Quang Trang (xã Tân Thành)…
Điều đáng nói là phong trào đã góp phần quan trọng vào việc ổn định tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện và tác động tích cực đến phong trào “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”. Cùng với sự tăng cường đầu tư của Nhà nước, 5 năm qua các cấp, các ngành trong huyện đã vận động trong nông dân gần 6 tỷ đồng, hiến đất gần 1.400 m2, chưa kể hàng trăm công lao động để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn. Nhiều đường giao thông thôn xóm, liên xã được rải sỏi, rải nhựa, bê tông hóa. Nhiều hộ gia đình khó khăn, nghèo khó được các nông dân SXKDG chia sẻ một phần giống, vốn, vật tư, hỗ trợ kinh phí xây, sửa nhà…
Mặt khác, phong trào còn có tác động tích cực đến công tác đổi mới tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động của Hội Nông dân và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, nhất là ở cơ sở.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới các cấp Hội Nông dân huyện Hàm Thuận Nam xác định tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, thúc đẩy kinh tế phát triển, xây dựng nông thôn mới, xây dựng tổ chức hội ngày càng phát triển vững mạnh.