Chia sẻ và có trách nhiệm
Trong phiên Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng, chống BLGĐ (sửa đổi), nữ đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) đã có phát biểu gây “sốt” cộng đồng: “Chồng đi làm về nhà nhưng im lặng suốt, không nói gì cả, hoặc suốt ngày khen hàng xóm xinh đẹp, chu đáo; rồi “giận cá chém thớt”, giận dỗi vô cớ... cũng là hành vi BLGĐ, làm cho đối tượng bị tác động khủng hoảng về mặt tâm lý”.
Xung quanh những phát biểu trên đều có những ý kiến trái chiều. Nhưng nhìn rộng ra, sâu hơn, thì trong xã hội hiện nay có vô số hình thức bạo lực như bạo lực tình dục, tinh thần, kinh tế... chứ không đơn giản là những tác động về thể chất, tức là những hành vi cố ý xâm hại tính mạng hoặc gây ra thương tích trên cơ thể cho nạn nhân. Tất cả hành vi đó sẽ dẫn đến sự bất ổn trong kết cấu gia đình, gây ra những tiêu cực về mặt xã hội.
Trong những lần tiếp xúc với các gia đình văn hóa tiêu biểu của tỉnh, dù đó là gia đình nhiều thế hệ hay gia đình trẻ độc lập, có một điểm chung mà chúng tôi ghi nhận được đó là luôn có sự gắn kết của các thành viên với nhau trong gia đình. Muốn thế mọi người đều dành nhiều thời gian cho nhau, không vì quá chạy theo cuộc sống mà xem nhẹ các hoạt động của gia đình. Nhất là việc cả vợ và chồng phải luôn thấu hiểu, chia sẻ, có trách nhiệm trong mọi hoàn cảnh và trong gia đình mình. Hạnh phúc chỉ có thể vun đắp bằng tình cảm chân thành. Người chồng đừng vì thói gia trưởng mà gần như đứng ngoài cuộc, để người phụ nữ cùng một lúc đảm đương nhiều việc, lâu dần chính họ lại trở thành nạn nhân của BLGĐ.
Phòng chống BLGĐ là một nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và gia đình có hạnh phúc thì xã hội mới vững bền.
Nhiều hoạt động bảo vệ phụ nữ
Với vai trò là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho phụ nữ và trẻ em, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã triển khai đa dạng biện pháp, góp phần hạn chế tình trạng bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, ngoài việc tổ chức tuyên truyền bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến, các cấp Hội đã linh hoạt gắn hoạt động phòng chống BLGĐ vào việc triển khai cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, các đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”, “Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ”, câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”, “Gia đình hạnh phúc”. Đặc biệt với phụ nữ vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nội dung tập huấn luôn nhấn mạnh đến việc giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống xâm hại trẻ em. Qua đó, chị em kịp thời động viên, chia sẻ kinh nghiệm về kỹ năng xử lý mâu thuẫn gia đình, cùng gỡ rối khi gặp khó khăn, đồng thời nâng cao kiến thức chăm sóc, giáo dục con, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Tính riêng năm 2021, các cấp Hội tiếp tục chủ động kết nối các nguồn vốn từ ngân hàng, chương trình, dự án hỗ trợ phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế, với tổng số vốn gần 2.700 tỷ đồng, giúp trên 56.000 chị vay. Tiếp tục duy trì, thành lập các tổ góp vốn xoay vòng, tổ tiết kiệm, tổ phụ nữ phát huy nội lực giúp nhau phát triển kinh tế gia đình. Đến nay có gần 1.600 tổ với hơn 44.000 thành viên. Ngoài ra còn giới thiệu việc làm cho hàng ngàn chị làm việc tại các công ty may, cơ sở sản xuất, chế biến. Hỗ trợ 120 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh với số tiền 12,167 tỷ đồng…
Tuy nhiên, Hội LHPN tỉnh nhận định mấu chốt để giảm thiểu tình trạng BLGĐ vẫn là nhận thức của các thành viên trong gia đình về ý thức, trách nhiệm xây dựng gia đình hạnh phúc. Cùng với đó, để chấm dứt tình trạng bạo lực gia đình, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng, trong đó các cấp, các ngành có sự phối hợp thường xuyên hơn nữa. Có biện pháp xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm pháp luật về BLGĐ, nhất là nạn xâm hại trẻ em gái.
Toàn tỉnh hiện có 94/124 xã, phường, thị trấn có Ban Chỉ đạo mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; 275/691 thôn, khu phố có “Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững”; 369 “Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình” ở cơ sở; 436 “Địa chỉ tin cậy” và 315 “Đường dây nóng” trong mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tại cộng đồng.