Theo dõi trên

Hệ lụy từ tin giả

14/09/2021, 09:54

BT- Tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật về dịch bệnh và công tác phòng chống dịch Covid-19 đang gia tăng. Việc xuất hiện nhiều thông tin giả, tin sai sự thật với số lượng lớn các video clip “tự phát” được phát tán tràn lan trên không gian mạng đã và đang gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội, nếu không xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch bệnh của Đảng, Nhà nước và chính quyền các địa phương.

Ảnh minh họa.

Chúng ta có thể khẳng định rằng, trải qua 4 lần dịch Covid–19 bùng phát thì tin giả có xu hướng ngày càng gia tăng với nhiều tác hại. Trong đó tin giả tập trung chủ yếu vào việc kích động vùng miền, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, tung tin sai sự thật về hiệu quả của các loại vắc xin Covid-19, xuyên tạc chính sách phân bổ, cung cấp vắc xin của Chính phủ, việc sử dụng Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19… Bên cạnh đó còn có nhiều thông tin sai sự thật có nguồn gốc từ các video clip của những người cách ly, người dân trong khu vực bị giãn cách, phong tỏa. Việc xuất hiện nhiều thông tin xấu độc cùng số lượng lớn các video clip “tự phát” được phát tán tràn lan trên không gian mạng đã làm giảm niềm tin của người dân vào công tác phòng chống dịch bệnh, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội… Nếu không xử lý tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến trật tự an toàn xã hội tại địa phương, gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch bệnh. Đây không phải là lần đầu tiên tin giả về dịch Covid-19 xuất hiện tràn lan trên internet, mạng xã hội. Trong năm 2020, lực lượng chức năng đã xử lý hơn 1.000 trường hợp vi phạm trên mạng xã hội về đưa tin sai, bịa đặt về tình hình dịch Covid-19 ở nước ta. Đặc biệt, trong những tháng đầu năm 2021, Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam đã công bố “dán nhãn” 37 tin giả, cập nhật 38 tin, xử phạt rất nhiều cá nhân đưa thông tin giả, sai sự thật... Trong đó, các tin giả liên quan dịch bệnh đang là thông tin được cảnh báo và xử phạt hành chính nhiều nhất thời gian gần đây. Ở tỉnh Bình Thuận, trong thời gian qua các lực lượng chức năng cũng đã xử phạt rất nhiều thông tin sai sự thật về dịch Covid-19. Qua các vụ việc đã được xử lý cho thấy tin giả, tin sai sự thật đưa trên mạng xã hội là những đối tượng thiếu thông tin, thiếu hiểu biết và thiếu ý thức trách nhiệm. Có nhiều đối tượng thiếu hiểu biết còn nhấn các nút “like” (thích), “share” (chia sẻ), làm cho tình hình xã hội thêm phức tạp. Hệ lụy từ tin giả, tin sai sự thật là vô cùng nghiêm trọng, có thể gây khủng hoảng niềm tin, bất ổn xã hội và làm ảnh hưởng lớn đến nỗ lực chống dịch của cả hệ thống chính trị. Chính vì thế, việc đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn này phải được coi là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân. Ở huyện Hàm Tân, Chủ tịch UBND huyện đã yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và chủ tịch UBND các xã, thị trấn chỉ đạo thực hiện nghiêm túc quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, cử người phát ngôn, chủ động cung cấp thông tin trong mọi tình huống, bảo đảm thông tin được cung cấp nhanh nhất, không bị động, bất ngờ và đúng sự thật. Thống nhất đầu mối phát ngôn, tránh tình trạng cùng một sự việc nhưng các cơ quan, đơn vị và địa phương phát ngôn không thống nhất dẫn tới việc bị suy diễn, xuyên tạc. Trong trường hợp phát sinh việc đột xuất, sự cố bất thường thì chậm nhất sau 2 giờ, kể từ khi phát sinh sự việc phải cung cấp thông tin ban đầu cho báo chí, trong đó nêu rõ quan điểm chỉ đạo và giải pháp xử lý bước đầu sự việc. Các địa phương khác trong tỉnh cơ bản cũng thực hiện như huyện Hàm Tân với mục đích duy nhất là thông tin về dịch bệnh và công tác phòng chống dịch Covid-19 chính xác nhất.

Tại tỉnh ta, việc kiểm soát những thông tin sai sự thật liên quan đến dịch bệnh và công tác phòng chống dịch Covid-19 được đánh giá là có hiệu quả. Có được kết quả đó là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và xã hội, cũng như các cơ quan truyền thông trên “mặt trận” chống tin giả trong đó có Báo Bình Thuận.

Tuy nhiên, việc chống tin giả, nhất là tin giả về Covid-19 hiện vẫn đang đứng trước thách thức rất lớn. Để tiếp tục đấu tranh phản bác với các loại tin này, trong thời gian tới đòi hỏi phải thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để chủ động nhận diện được tin giả, tin sai sự thật, từ đó không nghe theo, không làm theo và không phổ biến, không chia sẻ làm phức tạp thêm tình hình. Tiếp tục tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của Chính phủ, các văn bản, quy tắc của cơ quan chức năng, các địa phương về vấn đề tham gia mạng xã hội để mọi người chấp hành nghiêm, không vi phạm. Đồng thời tăng cường đấu tranh phê phán với những tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch Covid-19. Khi phát hiện tin giả, tin sai sự thật kịp thời cung cấp cho cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn, xử lý.

THANH QUANG



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hệ lụy từ tin giả