Theo thời gian, nghề cá Bình Thuận đã có nhiều bước tiến không ngừng, ngư dân trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư đóng mới tàu thuyền với trang thiết bị khá đồng bộ. Từng bước giảm dần tàu thuyền công suất nhỏ, tăng nhanh tàu công suất lớn hoạt động khai thác xa bờ. Tuy nhiên, đa số ngư dân trong tỉnh khai thác hải sản vẫn theo lối truyền thống, mang tính thủ công, nhiều khâu trong sản xuất vẫn sử dụng lao động trực tiếp, năng suất lao động thấp, sản phẩm sau khai thác đưa vào bờ chất lượng không cao, tổn thất sau thu hoạch lớn từ 15 – 20%.
Do đó, hiện đại hóa đội tàu khai thác là điều kiện thuận lợi để nghề khai thác hải sản trong tỉnh phát triển một cách bền vững, tạo việc làm cho ngư dân có thu nhập ổn định, nâng cao trình độ nhận thức của ngư dân về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa nghề cá. Có như vậy, bộ mặt kinh tế, dân sinh, an ninh xã hội của vùng nông thôn ven biển mới thay đổi theo chiều hướng tích cực, góp phần vào xây dựng nông thôn mới các xã ven biển. Những năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tích cực tăng cường công tác chuyển giao, chuyển tải các ứng dụng, những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, tiên tiến giúp ngư dân Bình Thuận áp dụng vào thực tế sản xuất có hiệu quả. Điển hình như, mô hình ứng dụng máy dò ngang là thiết bị tiên tiến, có bán kính tầm dò từ 100 – 2.000 m, giúp cho thuyền trưởng kiểm soát vùng nước xung quanh tàu, phát hiện những đàn cá ở vị trí cách xa tàu. Từ đó, có phương án tổ chức đánh bắt kịp thời, ngư trường mở rộng, tổ chức khai thác không chỉ những đêm tối trăng mà khai thác ngay cả trăng sáng và cả ban ngày. Vì vậy, mô hình này trong khai thác hải sản đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao năng suất, sản lượng đánh bắt tăng từ 1,5 – 2 lần so với trước khi sử dụng. Không chỉ vậy, mô hình còn giúp ngư dân mạnh dạn vươn khơi, giảm cường độ khai thác ven bờ, đảm bảo nguồn lợi thủy sản phát triển bền vững. Từ kết quả đó, những năm qua Trung tâm Khuyến nông tỉnh thường xuyên tổ chức tập huấn, hội thảo, tham quan mô hình cho ngư dân tại các tỉnh bạn. Đến nay, phần lớn tàu cá hoạt động nghề vây rút chì và pha xúc trên địa bàn tỉnh đã trang bị, sử dụng có hiệu quả với các loại máy khác nhau như Furuno CH – 250, JMC-CSL 1000, Koden ESR-180…
Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông còn triển khai nhiều mô hình khác áp dụng thực tế cho hiệu quả cao như: mô hình hầm bảo quản sản phẩm trên tàu cá, mô hình ứng dụng Radar hàng hải, mô hình trang bị máy lọc nước biển, mô hình máy tời thủy lực cho nghề mành chụp 4 tăng gông, mô hình ứng dụng công nghệ đèn led trong khai thác hải sản. Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, những mô hình này được đa số ngư dân trong tỉnh ứng dụng đạt hiệu quả cao khi vươn khơi khai thác hải sản, góp phần nâng cao sản lượng đánh bắt, tăng tỷ trọng hải sản có giá trị. Từ đó, tạo điều kiện cho lĩnh vực chế biến thủy sản xuất khẩu có uy tín, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế biển.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay của nghề cá Bình Thuận là lực lượng lao động biển thiếu trầm trọng, nhất là lao động có tay nghề, có kinh nghiệm. Một số ngư dân còn chậm thay đổi tập quán sản xuất, chưa mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại, một phần do thiếu vốn, nhưng phần lớn hạn chế về trình độ văn hóa, nên e ngại ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật…
Do đó, thời gian tới, để ngư dân mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại, Trung tâm Khuyến nông sẽ đẩy mạnh công tác khuyến ngư trong khai thác hải sản xa bờ, tiếp tục xây dựng các mô hình phù hợp tập tính đánh bắt của ngư dân từng địa phương. Kiến nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ khuyến khích ngư dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, những trang thiết bị công nghệ mới trong lĩnh vực khai thác hải sản, nhằm cơ giới hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả trong sản xuất, góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa nghề cá của tỉnh.