Đưa nghị quyết vào cuộc sống
Đang vào vụ cá nam, nên từ sáng sớm, cảng cá Cồn Chà (TP. Phan Thiết) đã nhộn nhịp ghe thuyền cập bến. Khu vực bến cảng buổi sáng khá đông vui khi tàu thuyền cập cảng kín mít đưa cá tôm về đầy ắp. Thuyền trưởng, thuyền viên ngồi kín các quán cà phê trong cảng rôm rả bàn chuyện khi vừa đánh bắt trở về. Đây là thời điểm thích hợp để ngành chức năng tiếp cận các ngư dân, chủ tàu tuyên truyền các chính sách mới. Vì thế, hơn 10 ngày nay, loa phát thanh trong khu vực cảng liên tục thông tin về Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (Nghị quyết 04) “Về hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản”; thông tin về truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử.
Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, Ban Quản lý các Cảng cá tỉnh (BQL) đã cho phát thanh ngày 2 lần về các nghị định, chính sách mới liên quan khai thác thủy sản. Bên cạnh đó, BQL còn phối hợp Chi cục Thủy sản, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Ban đại diện Kiểm soát nghề cá tỉnh đến từng tàu phát hơn 600 tờ rơi, tuyên truyền miệng để ngư dân hiểu rõ hơn về luật, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật khi vươn khơi đánh bắt hải sản trên biển.
Không chỉ tuyên truyền trên bờ, các đơn vị trong quá trình tuần tra, kiểm tra ở các cửa biển, còn phối hợp thường xuyên nhắc nhở các ngư dân thực hiện đúng các quy định pháp luật, tránh sai phạm khi hành nghề và kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm về khai thác IUU trên biển. Ông Phạm Bá Tuận – Chánh Văn phòng Ban đại diện Kiểm soát nghề cá tỉnh cho biết: “Từ giờ đến hết tháng 9/2024 là cao điểm ngành chức năng ra quân, tổ chức nhiều đợt tuyên truyền sâu rộng, với quyết tâm đưa nghị quyết vào cuộc sống nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Hiện nay, hầu hết các tàu đều chấp hành tốt khai báo khi rời cảng và cập cảng theo quy định; ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản; mở thiết bị giám sát hành trình từ khi vươn khơi đến khi cập bến. Đặc biệt, các tàu cá trong tỉnh không đánh bắt các loài hải sản nguy cấp, quý hiếm. Điều này thể hiện qua theo dõi tại các văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá và giám sát ban quản lý cảng cá không phát hiện đối tượng thủy sản nguy cấp, quý hiếm được bốc dỡ đưa lên cảng. Đây cũng là 1 trong 8 điều liên quan đến truy cứu trách nhiệm hình sự mà Nghị quyết 04 vừa ban hành”.
Hiểu luật… để bám biển
Nhờ các đợt tuyên truyền liên tục về chống khai thác đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), hầu hết ngư dân trong tỉnh đã phần nào nhận thức được xâm phạm vùng biển nước ngoài là mất tất cả. Ngư dân Mai Văn Tâm (phường Đức Thắng, TP. Phan Thiết) chia sẻ: “Thời gian qua, tôi luôn chấp hành nghiêm pháp luật khi khai thác hải sản trên biển. Tôi luôn nhắc nhở thuyền trưởng và anh em hoạt động cùng nghề đừng vượt ranh giới biển cho phép, nếu không may bị bắt, mình sẽ trở về tay trắng. Nay nghe ngành chức năng thông báo, theo nghị quyết mới, nếu vượt ranh giới trên biển khai thác hải sản, không những bị tiêu hủy tài sản, mà mình còn bị phạt tù đến 3 năm”.
Bên cạnh việc tuyên truyền Nghị quyết 04, Văn phòng Đại diện Kiểm soát nghề cá tỉnh, Ban Quản lý các Cảng cá tỉnh cũng tập trung hướng dẫn cho ngư dân cập nhật phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (hệ thống eCDT). Đây cũng là một trong những khuyến nghị quan trọng mà Ủy ban châu Âu yêu cầu phải thực hiện và sẽ kiểm tra khi đoàn sang Việt Nam lần 5 dự kiến vào tháng 10 tới.
Đang làm thủ tục chuẩn bị xuất bến đi đánh bắt ở Trường Sa, ngư dân Lê Văn Đây (Đức Long -TP. Phan Thiết ) được các nhân viên trong văn phòng hướng dẫn chi tiết thao tác trong việc sử dụng phần mềm. Ông Đây chia sẻ: “Ban đầu người dân chưa quen khai báo trên app nên còn bỡ ngỡ. Tuy nhiên, được sự hướng dẫn của cán bộ cảng cá, sau vài lần thao tác, một số ngư dân đã tự mình cài đặt và tiến hành khai báo thành công trên app”. Theo Chi cục Thủy sản, phần mềm này rất thuận lợi cho ngư dân, mỗi khi ra biển đánh bắt sẽ thực hiện khai báo ngay số lượng thủy sản đánh bắt, rất chính xác, minh bạch nên khi vào bờ không cần khai báo nữa. Hướng tới, ngành chức năng sẽ hướng dẫn ngư dân viết nhật ký khai thác điện tử. Mục đích cuối cùng của quá trình khai báo vẫn là chứng minh nguồn gốc hải sản của phương tiện phải đúng số lượng, rõ ràng và minh bạch, góp phần đẩy nhanh quá trình gỡ “thẻ vàng” của EC đạt yêu cầu.
Nhờ thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền nên nhận thức của ngư dân, các đơn vị ngày càng được nâng cao, hiểu rõ luật để an tâm bám biển. Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện tốt công tác này, chuẩn bị cho đợt thanh tra lần 5 của EC vào tháng 10/2024, quyết tâm cùng các cấp gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU và phát triển ngành thủy sản bền vững.