Theo dõi trên

Hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng

29/07/2020, 09:38

BT - Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện nay trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ kiên cố kênh nội đồng còn thấp, tính đến năm 2020 chỉ đạt 9,7%, do đó cần đẩy nhanh tốc độ kiên cố trong giai đoạn mới.

Nhiều công trình chưa hoàn chỉnh

Có thể khẳng định, trong những năm qua, nhờ mạng lưới các hệ thống thủy lợi, kênh mương nội đồng được phủ khắp, đã tạo ra bước đột phá trong việc “hòa mạng” nước. Ông Nguyễn Hữu Phước - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Đến nay, hệ thống các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng tương đối hoàn chỉnh từ công trình đầu mối đến mặt ruộng, năng lực thiết kế công trình cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới tiêu, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trên địa bàn. Cụ thể, toàn tỉnh có 78 hệ thống công trình cấp nước tưới với 209 công trình. Trong đó, tổng chiều dài hệ thống kênh là trên 1.800 km. Gồm kênh chính và kênh cấp I dài 1.099,11 km, kênh cấp II dài 381,31 km, kênh cấp III và cấp IV là 349,7 km. Ngoài ra còn 7 hệ thống tiêu thoát lũ có tổng chiều dài 82,79 km, với tổng năng lực tưới thiết kế 73.300 ha và tổng dung tích trữ 324,14 triệu m3. Hiện các công trình thủy lợi đang phục vụ tưới cho khoảng trên 51.000 ha diện tích nông nghiệp và thủy sản, cung cấp 32 triệu m3 nước thô mỗi năm... Tuy nhiên, hiện một số địa phương chỉ mới được đầu tư hệ thống đầu mối, có nơi đến được kênh chính hoặc đến kênh cấp I, kênh cấp dưới chưa được đầu tư. Trong đó, các khu tưới đã đầu tư hoàn chỉnh kênh nhánh là 53.930 ha, chưa hoàn chỉnh 19.370 ha. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Toàn tỉnh hiện có 390 công trình thủy lợi nhỏ, có nhiệm vụ tích trữ nước và trung chuyển nước tưới cho trên 1.600 ha, trong đó chủ yếu là ao trữ nước và ao thu gom nước nhĩ, tập trung nhiều nhất ở huyện Tuy Phong.

                
Kênh thủy lợi nội đồng.

Nhu cầu hỗ trợ

Năm 2014, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết về kiên cố hóa kênh nội đồng các xã xây dựng nông thôn mới tỉnh Bình Thuận, giai đoạn 2015 - 2020. Đây là chính sách hỗ trợ đặc thù của tỉnh về thủy lợi nội đồng. Đến nay chính sách này vẫn đang thực hiện và được đánh giá là có hiệu quả, tiếp tục được triển khai.

Tiếp theo trang 3: Hỗ trợ phát triển Thủy lợi nhỏ

Trong giai đoạn 2016 - 2020, các địa phương trong tỉnh chủ yếu tập trung thực hiện nạo vét và kiên cố kênh nội đồng. Đối với huy động sức dân làm thủy lợi nhỏ, 2 địa phương là Hàm Thuận Bắc đã làm mới 7 đập dâng với tổng giá trị 213 triệu đồng, huyện Hàm Tân đã vận động dân làm mới 3 đập với kinh phí đóng góp 396 triệu đồng. Ngoài ra, toàn tỉnh có gần 1.970 km kênh nội đồng với diện tích tưới 34.268 ha. Theo nhu cầu hỗ trợ, như đề xuất của các địa phương, quy mô hỗ trợ kênh nội đồng giai đoạn 2021- 2025 là kiên cố 179,66 km kênh, ổn định tưới cho 8.638 ha với kinh phí hỗ trợ 154,32 tỷ đồng…

Trong điều kiện ngân sách tỉnh còn khó khăn, chưa có các chính sách đặc thù khác để hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, việc tưới tiên tiến tiết kiệm nước là phù hợp. Vì vậy, việc xây dựng nghị quyết ban hành quy định mức hỗ trợ này sẽ tạo điều kiện phòng rủi ro thiên tai do hạn hán xảy ra. Đồng thời phù hợp với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở đó, trong kỳ họp thứ 10 - HĐND tỉnh khóa X mới đây đã chính thức ban hành nghị quyết về quy định mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh. Quy định mức hỗ trợ gồm đầu tư xây dựng mới công trình tích trữ nước, hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, cống và kiên cố kênh mương. Đối tượng áp dụng đối với tổ chức thủy lợi cơ sở, cá nhân là thành viên của tổ chức thủy lợi cơ sở có liên quan trong đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

    
      Hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình tích trữ nước gồm: hỗ trợ 90% chi phí   tại các xã, thị trấn thuộc vùng khó khăn; hỗ trợ 70% chi phí tại các xã,   thị trấn thuộc vùng dân tộc và miền núi; hỗ trợ 50% tại các xã, thị trấn   còn lại. Riêng hỗ trợ đầu tư xây dựng cống, kiên cố hóa kênh mương với   70% tổng giá trị đầu tư xây dựng công trình tại các xã, phường, thị trấn.   Các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc miền núi được hỗ trợ 90%   tổng giá trị đầu tư xây dựng công trình.

Kiều Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng