Theo dõi trên

Hỗ trợ vùng có dịch: Cần phải có tổ chức để tránh nguy cơ lây dịch bệnh

14/07/2021, 10:22

BT- Hơn lúc nào hết, người dân ở trong các vùng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 rất cần sự hỗ trợ từ bên ngoài. Nhưng hoạt động hỗ trợ này không thể làm theo cảm tính…

 Hoạt động hỗ trợ người dân trong vùng giãn cách vì dịch Covid-19 cần phải thận trọng và có tổ chức. Ảnh: Đ.Hòa

TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, 2 địa phương đang có dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Người dân ở những địa phương này đang gặp nhiều khó khăn trong việc sinh hoạt, đảm bảo cuộc sống. Và như một mệnh lệnh của trái tim, người dân Bình Thuận những ngày này đang tự nguyện góp từng ký thanh long, gạo, rau xanh, cá khô, nước mắm… để đưa vào hỗ trợ người dân TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương. Mỗi ngày có hàng chục chuyến xe lớn nhỏ di chuyển từ Bình Thuận đến các vùng tâm dịch. Người Việt Nam là vậy, tinh thần tương thân tương ái, luôn giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn khó khăn. Và ở Bình Thuận, mảnh đất nằm ở cuối dải đất miền Trung vốn thừa nắng, dư gió và thiếu mưa nên hơn ai hết người dân hiểu được ý nghĩa của việc nhường cơm sẻ áo, giúp nhau những lúc khốn khó. Ông bà ta có câu “Một miếng khi đói, bằng một gói khi no” và khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp thì những người không quản ngại nguy hiểm tình nguyện chuyển hàng vào hỗ trợ thì lại càng đáng trân quý.

Nhưng đây là lần hỗ trợ đặc biệt, bởi nó không giống như những lần ra miền Trung cứu trợ đồng bào lũ lụt hay bất cứ đợt hỗ trợ nào khác. Lần hỗ trợ này tại vùng tâm dịch rất nguy hiểm. Những đợt cứu trợ ở miền Trung được thực hiện khi bão lũ đã qua đi, người dân đối diện nguy cơ bị đói, rét. Còn lần này, dịch bệnh vẫn đang diễn biến, lây lan phức tạp ở nơi cần được hỗ trợ. Mà dịch bệnh thì không trừ một ai. Đặc biệt là ở TP. Hồ Chí Minh, nơi mà bất cứ ai cũng đều có nguy cơ trở thành bệnh nhân nhiễm Covid-19, thì việc lây nhiễm cho những người trực tiếp chở hàng hỗ trợ là rất cao. Và với biến thể Delta, Delta Plus SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan nhanh hơn các biến chủng trước đây từ 40 - 60%, thì mọi việc đều có thể xảy ra.

“Chống dịch như chống giặc” nhưng không phải là bất chấp nguy hiểm để thực hiện. Trước khi tiến hành giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, các địa phương đã có phương án dự trữ nhu yếu phẩm để phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của người dân. Việc hỗ trợ người dân trong vùng giãn cách là cần thiết và lâu dài. Nhưng việc hỗ trợ này cần phải có các tổ chức xã hội như: Ủy ban MTTQ các cấp, Đoàn Thanh niên, Hội Chữ thập đỏ… đứng ra xâu đầu mối, tổ chức việc thực hiện hỗ trợ. Như Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, vừa thực hiện 4 chuyến xe “Chia sẻ yêu thương – Đánh bay Covid” của tỉnh Bình Thuận chở hàng hóa, nhu yếu phẩm, nông sản để hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với người dân 2 tỉnh Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh là một ví dụ. Các tài xế chở hàng phải được trang bị đồ bảo hộ đầy đủ, những kiến thức cơ bản về phòng chống dịch để đảm bảo an toàn cho bản thân. Bao dung là tốt, hỗ trợ vùng khó khăn là đáng để phát huy, nhưng cứu trợ ở vùng dịch bệnh là phải thận trọng, có tổ chức, không nên vì nhiệt huyết mà làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh cho xã hội.

Nguyễn Luân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Cử tri thị trấn Thuận Nam kiến nghị đầu tư thêm hệ thống nước sinh hoạt
BTO-Trong khuôn khổ Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bình Thuận tiếp xúc cử tri tại huyện Hàm Thuận Nam, chiều nay 6/5, ông Nguyễn Hữu Thông, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục tiếp xúc cử tri thị trấn Thuận Nam, thông báo chương trình nội dung kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở (Nông nghiệp & PTNT, Giao thông Vận tải, Lao động Thương binh & Xã hội), lãnh đạo UBND huyện Hàm Thuận Nam và thị trấn Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hỗ trợ vùng có dịch: Cần phải có tổ chức để tránh nguy cơ lây dịch bệnh