Theo dõi trên

Bình Thuận: Tiên phong ban hành Chỉ thị liên quan chống khai thác IUU

29/04/2024, 05:04

Được xem là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước tiên phong, bắt tay vào thực hiện sớm công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) ngay khi ngành thủy sản Việt Nam bị Ủy ban châu Âu “tuýt còi” vào tháng 10/2017.

Có nhiều chuyển biến

Đầu năm 2018, Chỉ thị số 30-CT/TU, ngày 16/1/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIII) về các nhiệm vụ và giải pháp cấp bách tăng cường quản lý, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân trong tỉnh khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài ra đời, đánh dấu thời điểm quan trọng để ngành thủy sản trong tỉnh có sự chuyển biến tích cực từ đánh bắt theo kiểu truyền thống sang đánh bắt, khai thác có trách nhiệm.

Qua 6 năm thực hiện Chỉ thị 30, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, nhất là các địa phương có biển đã quán triệt, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc các giải pháp cấp bách chống khai thác IUU, đi đôi với tăng cường quản lý, ngăn chặn tình trạng tàu cá, ngư dân trong tỉnh khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhờ đó, qua từng năm, tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài đã giảm thiểu và bước đầu được ngăn chặn…

z5378100034276_bdb9ccc323d81cb73d645b97489caea1.jpg
Qua 6 năm thực hiện Chỉ thị 30, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã vào cuộc.

Tuy nhiên, vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn được tình trạng này, vẫn còn trường hợp tàu cá thường xuyên mất kết nối VMS, vượt ranh giới cho phép trên biển; tàu cá dưới 15m (không thuộc đối tượng phải lắp đặt thiết bị VMS) hoạt động ngoài tỉnh, đánh bắt tại các vùng biển xa, giáp ranh với các nước... tiềm ẩn nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài. Ngoài ra, công tác nắm tình hình, theo dõi, quản lý tàu cá, đặc biệt là số tàu cá thường xuyên lưu trú, hoạt động ngoài tỉnh, không có mặt tại địa phương còn nhiều khó khăn, đây là nhóm tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài. Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm quy định pháp luật trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn xảy ra, có lúc, có nơi phức tạp...

z5378099998866_48f27cbebc9d59878bae186523c3e564.jpg
Công tác chống khai thác IUU trong tỉnh có nhiều chuyển biến.

Đổi mới công tác tuyên truyền

Để chuẩn bị tốt cho đợt Thanh tra lần 5 của đoàn EC tại Việt Nam vào quý II/2024, cũng như kiên quyết không để bất kỳ tàu cá nào của tỉnh đánh bắt hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIV) đã ban hành kết luận sau Hội nghị trực tuyến tổng kết 6 năm thực hiện Chỉ thị số 30. Theo đó, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 45/CT-TTg; Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Quá trình thực hiện, yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các địa phương ven biển và các cơ quan có liên quan nêu cao tinh thần trách nhiệm, trực tiếp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác chống khai thác IUU; phải xem nhiệm vụ này là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị. Tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân của tỉnh khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài, trong đó, phát hiện kịp thời, ngăn chặn từ sớm, từ xa các hành vi, dấu hiệu vi phạm. Đồng thời, tiếp tục điều tra, xác minh, củng cố hồ sơ, xử lý các hành vi môi giới, móc nối, tổ chức đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

z5378100068684_f5790bfc4ae30099139f4b39ec9e3b42.jpg
Quản lý, kiểm soát chặt chẽ tàu cá hoạt động trên biển.

Bên cạnh đó, tiếp tục quản lý, kiểm soát chặt chẽ tàu cá hoạt động trên biển, đang neo đậu tại cảng; thực hiện nghiêm việc kiểm soát, giám sát sản lượng lên bến, truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục ngư dân (trong đó, xác định rõ đối tượng chính của công tác tuyên truyền giáo dục là chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá xa bờ và gia đình của họ), tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, cam kết không vi phạm. Vận động ngư dân kịp thời cung cấp, phản ánh thông tin liên quan đến các hành vi vi phạm để ngăn chặn, xử lý. Các cơ quan chức năng, địa phương kịp thời khen thưởng, biểu dương các tập thể, cá nhân thực hiện có hiệu quả các biện pháp chống khai thác IUU; qua đó tuyên truyền, góp phần nhân rộng những mô hình hay, cách làm tốt.

chuan-bi-ngu-luoi-cu-cho-chuyen-bien-dai-ngay-anh-n.-lan-3-.jpg
Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ ngư dân. (ảnh: N. Lân)

Quan tâm chăm lo đời sống của ngư dân

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án về bảo tồn, tái tạo, phát triển, duy trì bền vững nguồn lợi thủy sản. UBND cấp tỉnh, cấp huyện quan tâm bố trí ngân sách và huy động nguồn lực xã hội đầu tư thực hiện các mô hình, đề án hiệu quả trong tái tạo, phát triển, duy trì bền vững nguồn lợi thủy sản. Xử lý nghiêm các hành vi khai thác, đánh bắt tận diệt nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, tạo điều kiện để tái cơ cấu ngành thủy sản, trước hết là tái cơ cấu đội tàu xa bờ gắn với dịch vụ hậu cần nghề cá và phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ ngư dân.

mua-khai-thac-so-long-anh-n.-lan-2-.jpg
Yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chăm lo đời sống của ngư dân. Ảnh: N. Lân

Giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh đánh giá kết quả thực hiện Đề án kiện toàn tổ chức, tăng cường năng lực, hiệu lực, nâng cao hiệu quả hoạt động lực lượng kiểm ngư tỉnh Bình Thuận. Song song đó, nghiên cứu trình cấp thẩm quyền thực hiện các công việc cấp bách như nạo vét luồng, lạch một số cảng; chuẩn bị đầu tư các dự án hạ tầng nghề cá giai đoạn 2026 – 2030 từ ngân sách địa phương và kiến nghị Trung ương hỗ trợ đầu tư các dự án có quy mô lớn như các khu tránh trú bão kết hợp cảng cá (Chí Công, Ba Đăng, Hồ Lân) từ nguồn ngân sách Trung ương. Rà soát, xây dựng, bổ sung Quy chế phối hợp giữa tỉnh Bình Thuận với các địa phương có liên quan và các lực lượng thực thi pháp luật trên biển (Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư) để kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm của tàu cá hoạt động ngoài địa bàn tỉnh và tại các vùng biển biên giới có sự chồng lấn để hỗ trợ, tạo sự an toàn cho ngư dân hoạt động đánh bắt xa bờ.

Đặc biệt, yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chăm lo đời sống của ngư dân; rà soát, quy hoạch chỉnh trang các khu dân cư của ngư dân; bố trí thêm công viên, hoa viên, sân thể thao, nhà văn hóa phục vụ các khu vực có đông ngư dân sinh sống. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp với các ngành chức năng nghiên cứu hỗ trợ phụ nữ lao động biển phát triển kinh tế gia đình, chăm lo con em ngư dân. Cấp ủy, chính quyền, Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên các cấp quan tâm tạo điều kiện, vận động các gia đình ngư dân cho con em tham gia học tập, hoàn thành chương trình trung học phổ thông; tạo điều kiện, khuyến khích học nghề và cao đẳng, đại học, sau đại học…

M. VÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Kết quả thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU
Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 1 vụ/1 tàu/7 lao động vi phạm khai thác trái phép vùng biển bị Malaysia bắt giữ. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính chủ tàu cá với số tiền 900 triệu đồng, không áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung vì tàu đã bị lực lượng chức năng của Malaysia bắt giữ và tiêu hủy.
Nổi bật
Nâng cao chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi
Năm học 2023 - 2024, ngành giáo dục tỉnh đã tập trung đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu quả cả về chất và lượng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi (HSG). Qua đó, trong các kỳ thi HSG các môn văn hóa cũng như trong các giải thể thao cấp tỉnh và cấp quốc gia đạt thành tích cao.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bình Thuận: Tiên phong ban hành Chỉ thị liên quan chống khai thác IUU