Theo dõi trên

“Hôm nay con có gì vui?”

05/07/2022, 05:31

Bên bàn cà phê cuối tuần qua, câu chuyện được nhiều người thăm hỏi nhất vẫn là “Con thi trường nào”, “Con thi hết chưa. Làm bài được không?”… Liền sau những câu trả lời là các phương pháp giáo dục, dạy dỗ con cái được phụ huynh nêu ra. Trong đó có cả nhẹ nhàng, có cả xoa dịu và tất nhiên không ít cơn thịnh nộ, mắng nhiếc.

tre.jpg
Mỗi đứa trẻ đều có một khả năng đặc biệt, hãy để chúng phát triển theo một cách tốt nhất (ảnh minh họa)

Một bà mẹ cho rằng, mình đã “thất bại” khi con không những rớt trường chuyên, trường công lập mà còn phải chạy đôn chạy đáo mới lo được vào trường tư thục trên địa bàn tỉnh. Một bà mẹ mới có con học lớp 1 tiếp lời, khi “vừa bắt chép phạt 50 lần cho nhớ. Có mấy từ vựng tiếng Anh đơn giản nhất cũng để cho sai”. Thậm chí căng thẳng cuối năm học của những đứa con chuyển cấp, đang tuổi dậy thì hằn lên cả khuôn mặt mẹ… Lắng nghe sự phân trần mà phụ huynh nào cũng có cái lý, khi mọi yêu thương, kỳ vọng đều dồn hết cho con, tôi lại nhớ tới bộ phim truyền hình mang tên “Hãy nói lời yêu” từng phát sóng trên VTV, với kết thúc là cái chết của nhân vật Minh khi cậu tự tử vì những áp lực, sự đay nghiến của mẹ. Người mẹ trong bộ phim chịu nhiều bất hạnh: Chồng ngoại tình, con gái bị lừa khiến tâm lý bà bất ổn và đặt mọi kỳ vọng vào cậu con trai một cách nghiệt ngã. Khi mọi kỳ vọng biến thành sự thất bại trong một kỳ thi học sinh giỏi, người mẹ oán trách và đổ mọi lỗi lầm lên cậu con trai khiến cậu tìm đến cái chết.

Không thể nói rằng cha mẹ không yêu thương con cái của họ nhưng dường như họ đã yêu thương sai cách mất rồi. Những thứ họ nghĩ là tốt cho con thực chất lại không tốt như họ tưởng. Đành rằng một hành trang cho tương lai phải bắt đầu được tích lũy ngay từ vạch xuất phát. Nhưng học tập là một quá trình rèn luyện, phấn đấu của bản thân chứ không hẳn chỉ là sự nhồi nhét nhất thời. Những thành tích cũng không phải thứ đảm bảo cho một tương lai hạnh phúc của đứa trẻ, nếu như không có tinh thần tự học.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 800.000 người chết do tự tử. Tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm hơn 26% và trẻ cố gắng tự tử lên đến gần 6%. Những con số này có lẽ làm những bậc cha mẹ giật mình. Hóa ra, bệnh trầm cảm thật đáng sợ vì có thể khiến chúng ta mất đi người thân bất kỳ lúc nào nếu cảm giác cô độc, yếu ớt, bất lực đó không được giải tỏa.

Nhớ ngày hay tin con thành hình, cha mẹ chỉ có một mong ước là con sinh ra được khỏe mạnh, bình thường. Vậy mà đến khi đạt được điều đó, thì niềm mong, hy vọng sao cứ thế tăng dần lên cấp số nhân. Bản thân phụ huynh có gì mâu thuẫn!

Những đứa trẻ đã bước qua một năm học “đặc biệt” cùng với dịch bệnh, với kiến thức truyền thụ online. Cánh cửa chuyển cấp, cánh cửa vào đại học đang mở nhưng không có nghĩa cứ bước qua là phải “hóa rồng”. Cũng như cha mẹ vậy thôi, có nhất thiết phải là “rồng” thì cuộc đời mới cho ta cơ hội, cho ta thành công. Vậy thì, hàng ngày thay vì những điểm số, mục tiêu bằng cấp, hãy thay nó bằng một câu hỏi “Hôm nay con có vui không?”, liệu có quá khó với những người làm cha mẹ.

THÙY LINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Gây nhau vì cách dạy con cháu
Trong một lần tụ tập cà phê cuối tuần của hội chị em, chúng tôi vô tình “tám” về chuyện con cái, nên sinh một hay hai cho có anh có em. Coi bộ đề tài này “gãi” đúng chỗ ngứa nên ai cũng tranh nhau thao thao kể.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Hôm nay con có gì vui?”