Theo dõi trên

Họp báo thông tin về dự án hồ Ka Pét

07/09/2023, 17:59

Làm lãnh đạo mà không lo được cho dân thì có lỗi với dân. Song việc đề xuất xây dựng hồ Ka Pét để lo nước cho dân, tỉnh không làm bất chấp, không khoa học… Đó là phát biểu của đồng chí Dương Văn An – Ủy viên BCH Trung ương Đảng – Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận tại buổi họp báo thông tin về chủ trương đầu tư dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam do UBND tỉnh tổ chức, diễn ra vào chiều 7/9.

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An cũng đi thẳng vào vấn đề, đó là “ hiện nay dư luận đang quan tâm rất nhiều chiều đến dự án hồ chứa nước Ka Pét nên chúng tôi khẳng định Bình Thuận không phải làm bất chấp, làm không có khoa học, tỉnh Bình Thuận sẵn sàng tiếp thu ý kiến của báo chí và các nhà khoa học. Mất rừng ai cũng tiếc nhưng không thể để cuộc sống người dân khốn khó vì thiếu nước sinh hoạt và sản xuất. Việc xây dựng hồ chứa nước Ka Pét đem lại yếu tố tích cực nổi trội hơn là tiêu cực. Tại cuộc họp này, tôi yêu cầu các cơ quan chức năng trả lời tất các cả các câu hỏi của cơ quan báo chí trên tinh thần không né tránh. Câu nào không trả lời được thì xin hẹn với phóng viên trả bằng văn bản sau…”. Đồng thời mong các nhà báo thông tin đầy đủ, chân thật.

hop-bao.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải tại buổi họp báo.

Tại buổi họp báo, Ban quản lý dự án (QLDA) Đầu tư xây dựng các công trình NN và PTNT đã thông tin các nội dung liên quan đến công tác chuẩn bị lập, trình phê duyệt chủ trương đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng dự án Hồ chứa nước Ka Pét. Theo đó, Dự án Hồ chứa nước Ka Pét là dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội quyết định và quyết định điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư. Quy mô gồm hồ điều tiết dung tích toàn bộ 51,21 triệu m3, dung tích hữu ích 47,41 triệu m3, hệ thống kênh và các công trình phụ trợ khác. Tổng mức đầu tư và nguồn vốn của dự án là 874,089 tỷ đồng, gồm ngân sách Trung ương là 519,927 tỷ đồng và ngân sách địa phương 354,162 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2019 đến hến năm 2025.

dsc_5560(1).jpg

Tổng diện tích đất dự án là 697,73 ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp là 679,72 ha (đất có rừng là 619,58 ha, gồm rừng đặc dụng là 137,95 ha; rừng phòng hộ 0,51 ha; rừng sản xuất 440,4 ha, đất nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng 40,72 ha và đất không có rừng 60,14 ha); diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 18,01 ha.

Đến nay, về công tác điều tra, kiểm kê đánh giá hiện trạng rừng đã hoàn thành vào tháng 12/2020, cập nhật kết quả kiểm tra hiện trạng rừng vào tháng 4/2022...

z4671538081808_615983a79ea7f633032debd4b57794a7.jpg
Toàn cảnh buổi họp báo.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An, Bình Thuận cùng với Ninh Thuận là hai tỉnh khô hạn nhất Việt Nam. Đây là vùng có lượng mưa rất thấp, chỉ 800 - 1.150 mm/năm, nhiều vùng đất khô cằn, hoang hóa, sản xuất nông nghiệp chỉ nhờ vào nước mưa. Chỉ tính nhu cầu nước sản xuất nông nghiệp hàng năm, Bình Thuận cần hơn 500 triệu m3. Do đó, trách nhiệm của tỉnh là lo nước cho dân. Nhiều nhiệm kỳ qua, Bình Thuận tìm mọi cách, vừa xin Trung ương, vừa dùng nguồn lực địa phương xây dựng hệ thống hồ chứa nước, kênh mương thủy lợi trên toàn tỉnh. Với đặc điểm địa hình Bình Thuận, muốn làm hồ thủy lợi, không ít thì nhiều đều ảnh hưởng đến rừng. Nhưng có hồ, môi trường chắc chắn sẽ tốt lên vì tích được nước, tăng độ ẩm toàn khu vực, tạo môi trường cho cây sinh trưởng. Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, dự án nào cũng có tích cực và hạn chế, nhưng xây dựng hồ chứa nước Ka Pét đem lại yếu tố tích cực nổi trội hơn. Khi đề xuất dự án này, tỉnh và các đơn vị liên quan lựa chọn phương án ít tác động nhất, nhưng đem lại hiệu quả cao nhất. 


74fce657-afad-47f2-b22f-5429fb42d659.jpeg
Đoàn công tác của tỉnh trong lần khảo sát tại khu vực dự án Hồ Ka Pét.
z4671657595357_8bb8108c59a4b4db18694852dec8f08e.jpg
Khu vực rừng thuộc dự án.

Phát biểu tại buổi họp báo, đại diện đơn vị tư vấn cũng cho biết, vị trí hơn 600 ha rừng để làm hồ thủy lợi đã được đơn vị tư vấn chọn rất kỹ dựa vào điều kiện tự nhiên sẵn có. Hồ phải chọn địa điểm eo núi, là nơi tụ thủy, địa hình dễ ngăn đập để dung tích chứa nhiều nhất, nhưng ít tổn hại rừng. Tỉnh đã phân tích nhiều phương án, như lòng hồ có thể chứa 60 - 90 triệu m3, hay chỉ 30- 40 triệu m3. Từ đó, tính toán dung tích tối ưu cho cả nhu cầu tưới tiêu và lưu vực nước là 51 triệu m3.

hop-bao-kapet-d.h-.jpg
Lãnh đạo Ban QLDA phát biểu tại cuộc họp.

Được biết diện tích trồng rừng thay thế trên 1.800 ha, tổng chi phí gần 177 tỷ đồng. Tỉnh dự kiến hoàn thành trồng rừng thay thế vào năm 2025, cùng thời điểm kết thúc dự án xây hồ. Việc trồng thêm trên 1.800 ha rừng sẽ tăng độ che phủ cây xanh cho Bình Thuận…

Tại buổi họp báo, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đã có nhiều câu hỏi liên quan đến dự án, như quy mô, vị trí xây dựng, phương án khai thác rừng, việc trồng rừng thay thế, đánh giá tác động môi trường, công suất tưới hỗ trợ cho các hồ phía dưới hạ nguồn hồ Ka Pét hay có cần “hy sinh” hơn 600 ha rừng để làm hồ thủy lợi…Sau khi nghe lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, đơn vị liên quan trả lời các nội dung trên, đa số các phóng viên đều thống nhất, đồng thuận nội dung phản hồi.

dsc_5548(1).jpg
Đại diện một cơ quan báo chí nêu câu hỏi.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải nhấn mạnh, mất rừng sẽ làm suy giảm nước ngầm. Nhưng làm hồ cũng là một hình thức tích tụ nước mặt, làm tăng mực nước ngầm. Khi dự án hoàn thành sẽ cấp nước tưới cho khoảng 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam; cấp nước thô cho khu công nghiệp Hàm Kiệm II 2,63 triệu m3/năm; tạo nguồn nước thô để cấp cho sinh hoạt khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và TP. Phan Thiết... Đồng thời phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực huyện Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận; tăng dòng chảy trong mùa khô, góp phần cải thiện môi trường sinh thái vùng hạ du, nhất là đoạn qua TP. Phan Thiết, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ của tỉnh.

z4671538522341_689f023f60b7fb97e00b0c86cc38ad0a.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải phát biểu tại buổi họp báo.

Kết luận tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá, các sở, ngành, đơn vị liên quan đã cung cấp đầy đủ thông tin, đáp ứng cơ bản các câu hỏi của các phóng viên. Các cơ quan báo chí cơ bản thoả mãn và đồng thuận với các câu trả lời về chủ trương đầu tư thực hiện dự án hồ chứa nước Ka Pét. Qua buổi họp báo, lãnh đạo tỉnh mong muốn các phóng viên chia sẻ thông tin chân thực, thấu đáo mang tính xây dựng về dự án, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận.

dsc_5555(1).jpg
dsc_5536.jpg

Trước đó, ngày 4/9/2023, một tờ báo điện tử đăng tải bài báo với tiêu đề “Khu rừng hơn 600 ha sắp bị phá làm hồ thủy lợi”. Khi bài báo đăng tải, đã có nhiều ý kiến trái chiều về dự án Hồ chứa nước Ka Pét. Bài báo này đã sử dụng một số hình ảnh, thông tin làm cho người đọc có những suy nghĩ, đánh giá sai lệch về một số chủ trương của Đảng, Nhà nước và quá trình triển khai thực hiện của tỉnh Bình Thuận.

KIỀU HẰNG, ẢNH ĐÌNH HÒA.


(1) Bình luận
Bài liên quan
Thống nhất đề nghị Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án Hồ Ka Pét
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng nay 25/5, Quốc hội tiến hành phiên thảo luận tại tổ. Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận tham gia thảo luận tổ 14 cùng Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La và tỉnh Hải Dương.
Nổi bật
Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận
Đờn ca tài tử Nam bộ (ĐCTTNB) được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại năm 2013. Bình Thuận là 1 trong 21 tỉnh, thành phố có di sản nghệ thuật đờn ca tài tử, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng vị thế của Bình Thuận trong khu vực và cả nước.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Họp báo thông tin về dự án hồ Ka Pét