Theo dõi trên

Khắc phục bệnh né tránh, đùn đẩy trách nhiệm

13/05/2022, 05:36

Đùn đẩy, né tránh trách nhiệm là bệnh thường gặp ở những cán bộ có bổn phận thực thi, giải quyết những vấn đề, những công việc thuộc phạm vi mình phụ trách, nhưng lại tảng lờ, trốn tránh trách nhiệm, tìm cách đẩy sang cho người khác, đẩy lên cho cấp trên, đẩy cho cấp dưới, thậm chí đẩy vào… ngăn kéo (không làm gì cả), miễn là nó thoát ra khỏi bản thân mình, mặc cho công việc chung bị đình trệ.

ne.jpg
Ảnh minh hoạ.

Bệnh này vốn dĩ đã có từ lâu trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhưng sau khi hàng loạt vụ cán bộ bị khởi tố vì sai phạm trên phạm vi cả nước, thì tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy công việc, hay làm việc cầm chừng, thậm chí không dám làm, không dám quyết vì sợ sai, càng bộc lộ phổ biến hơn.

Với những cán bộ vốn dĩ thiếu năng lực, trình độ chuyên môn yếu, thì nay càng e dè, làm gì cũng sợ sai, nên tốt nhất là an phận, giữ ghế. Còn với những cán bộ vốn dĩ đã thiếu ý thức trách nhiệm, thì nay càng tâm đắc câu đã nằm lòng: “làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai”.

Cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng rất lớn tới đời sống, công việc làm ăn của người dân và doanh nghiệp, kế hoạch phát triển của cộng đồng, khiến công việc chậm chạp, đình trệ, nhiều vấn đề xã hội bức xúc không được giải quyết kịp thời, nhiều cơ hội tăng trưởng không tận dụng được, nhiều công trình, dự án trọng điểm không triển khai đúng tiến độ kế hoạch.

Đặc biệt, với những công việc nhạy cảm, phức tạp liên quan tới nhiều cơ quan, sở, ban, ngành, địa phương, như giải phóng mặt bằng, thu hồi đất phục vụ thi công các công trình trọng điểm; hay giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp liên quan tới đất đai vốn rất rối rắm…Nếu lãnh đạo các sở, ngành, địa phương sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy nhau thì chắc chắn sẽ làm chậm trễ tiến độ của các công trình, dự án, hoặc trễ hẹn với người dân, doanh nghiệp.

Ở TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh… tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm bộc lộ rõ sau những vụ khởi tố, bắt giam một số nguyên lãnh đạo các thời kỳ, liên quan đến các sai phạm về đất đai, dự án. Tình trạng cán bộ “sợ trách nhiệm đến mức không dám làm việc”, hoặc có nơi cán bộ “làm gì cũng sợ sai” đã tác động tiêu cực tới môi trường đầu tư kinh doanh, khiến tốc độ tăng trưởng của hai “đầu tàu” kinh tế này chững hẳn lại. Tất nhiên, tâm lý lo lắng, cầu an là tự nhiên của con người trước các biến cố, nhưng nếu để kéo dài, chậm khắc phục sẽ sinh ra sự trì trệ.

Để tránh tình trạng người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, không khéo lại thua thiệt, rủi ro, còn người ù lỳ, không làm gì cả, thì lại hưởng lợi. Đảng ta đã kịp thời có Kết luận số 14 về khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Tuy nhiên chừng nào mà người làm việc cật lực mà lương-thưởng cũng bằng người làm việc làng nhàng, cuối năm cũng “lao động tiên tiến” như nhau cả, thì bệnh đùn đẩy, né tránh trách nhiệm vẫn còn sống khỏe. Tiêu chí đánh giá, phân loại cán bộ, công chức của ta còn chung chung, chưa tạo động lực cho cán bộ có tâm, có tài tích cực cống hiến, và chưa răn đe được cán bộ lười biếng, an phận thủ thường, “sáng cắp ô đi tối cắp ô về”.

Nhu cầu phục hồi tăng trưởng kinh tế sau đại dịch rất bức bách, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp rất cần sự năng động, quyết liệt của đội ngũ cán bộ, của chính quyền các cấp, để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn nữa. Trong hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2022, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An đã nhấn mạnh tới việc phải tháo gỡ “điểm nghẽn” từ yếu tố con người, cụ thể là cán bộ, công chức, khắc phục bệnh đùn đẩy công việc, né tránh trách nhiệm, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao.

ĐẶNG DŨNG


(1) Bình luận
Bài liên quan
Bao giờ cho tới tháng 10?
BTO- Mũi Né mùa này nhộn nhịp khách nội địa ra chơi lễ, nhưng thưa vắng khách quốc tế, nhất là khách Nga. Từng dãy dài cửa hàng, cửa hiệu treo bảng hiệu bằng chữ Nga vẫn cửa đóng then cài. Trên “phố Tây” đường Nguyễn Đình Chiểu ta khó bắt gặp khách nước ngoài rảo bước.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khắc phục bệnh né tránh, đùn đẩy trách nhiệm