Theo dõi trên

Khát vọng thoát nghèo từ dự án “hỗ trợ bò sinh sản”

26/11/2024, 05:21

Những ngày này, rất nhiều hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc rất vui mừng, phấn khởi khi nhận được bò từ dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Họ kỳ vọng với “cần câu” từ chính sách của Nhà nước hỗ trợ sẽ sớm thoát nghèo, ổn định cuộc sống, trong đó các hộ nghèo, cận nghèo ở xã Hàm Đức là điển hình.

Niềm vui và kỳ vọng

Những ngày này, gia đình chị Lê Thị Hồng Phi (42 tuổi, ngụ thôn 4, xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc) dường như đông vui hơn, bởi hàng xóm thường lui tới và không ngớt lời chúc mừng, khen ngợi con bò chị vừa nhận được từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Riêng chị Phi thì vẫn cứ nghĩ mình đang mơ, bởi việc sở hữu một con bò cái giống sinh sản là một niềm ao ước bao năm của chị trong việc phát triển kinh tế gia đình.

z6066613538714_0d3849a6310d80466aca9dccd2dbb3c7.jpg
Chị Lê Thị Hồng Phi đang chăm sóc bò từ dự án hỗ trợ thoát nghèo.

Chị Phi chia sẻ, hiện chị cùng với 2 con nhỏ (10 tuổi và 4 tuổi) đang tá túc nhờ nhà mẹ ruột. Bao năm vất vả làm đủ nghề, nhưng cái nghèo khó vẫn đeo bám bản thân chị. Hằng ngày để có tiền trang trải cuộc sống chị phải đi phụ người thân buôn bán ngoài chợ được trả công từ 200.000 - 250.000 đồng. Trước đây cũng nuôi heo phụ thêm nhưng từ ngày dịch bệnh chị phải “treo” chuồng. Ngày được xã khảo sát đưa vào danh sách nhận bò thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chị mừng rớt nước mắt, có đêm mất ngủ vì cứ trông chờ đến ngày chính thức nhận bò hỗ trợ về nuôi. Để có được chỗ nuôi ổn định, ngay từ lúc chưa nhận bò, chị đã nhờ và thuê người làm chuồng đàng hoàng. Khi nhận về, hàng ngày trước khi đi làm, khuya chị dậy sớm tranh thủ đi cắt cỏ, cùng với nguồn thực phẩm rau củ tại các quầy hàng từ chợ nơi chị phụ bán đem về đã đủ thức ăn hàng ngày cho bò. “Con bò của tôi nhận rất hiền và dễ chăm, hàng xóm ai cũng khen. Tôi sẽ cố gắng nuôi để nó sinh sản. Mong ước của tôi là từ nguồn vốn này sẽ cất được căn nhà nhỏ để ba mẹ con có chỗ che mưa, che nắng” chị Phi kỳ vọng.

z6066711959677_ecd9e42f416a3a185bdd10f768f17df6(1).jpg
Anh Trần Đình Sỹ (trái) trong niềm vui ngày nhận bò hỗ trợ.

Đối với vợ chồng anh Trần Đình Sỹ và chị Trần Thị Thanh Mai (ngụ thôn 2, xã Hàm Đức), dù gần một tháng trôi qua kể từ ngày nhận bò hỗ trợ về nuôi, nhưng anh chị cũng nghĩ chưa tin đó là sự thật. Quanh năm thuê đất trồng hoa màu, dù làm lụng vất vả nhưng gia đình với 2 con (lớp 9 và lớp 1) vẫn không thể thoát nghèo. Được duyệt trong danh sách nhận bò hỗ trợ, vợ chồng anh Sỹ vui mừng khôn xiết. Chị Mai, vợ anh Sỹ chia sẻ: Hiện nay 2 vợ chồng đang ở tạm trong một chòi nhỏ, mong ước của gia đình là từ nguồn bò hỗ trợ sẽ phát triển thêm kinh tế chăn nuôi, để sớm thoát nghèo và có nhà cửa ổn định. Để thực hiện điều đó anh chị đã quan tâm làm chuồng trại sạch sẽ thông thoáng và học tập thêm kinh nghiệm của những người hàng xóm trong chăn nuôi để chăm sóc bò sớm sinh sản.

Điều đáng mừng là những hộ dân này dù nghèo khó nhưng đều nuôi nấu quyết tâm cho con cái học tập, để tương lai các con tốt đẹp hơn.

465539735_582250014197798_519433283574129878_n.jpg
Các hộ dân đưa bò về nhà chăm sóc sau khi nhận hỗ trợ.

Thiết thực, chặt chẽ, công bằng

Theo UBND xã Hàm Đức, chương trình trao bò nói trên nằm trong dự án “Hỗ trợ phát triển sản xuất, chăn nuôi bò cái sinh sản tại xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận”, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững do UBND huyện Hàm Thuận Bắc triển khai. Trong đó xã Hàm Đức có 21 hộ dân (16 hộ nghèo, 5 hộ cận nghèo) được xét chọn đều trên 7 thôn. Tổng kinh phí dự án trong giai đoạn 2024 - 2026 hơn 859 triệu đồng.

Dự án giúp hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, xây dựng, phát triển và nhân rộng mô hình chăn nuôi bò cái sinh sản nhằm tạo được việc làm, sinh kế bền vững, gia tăng thu nhập, nâng cao được chất lượng cuộc sống của người dân thuộc đối tượng của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Qua đó chống tái nghèo ở nhóm đối tượng hộ mới thoát nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường, tăng trưởng kinh tế và mục tiêu giảm nghèo bền vững của Chính phủ, của tỉnh Bình Thuận và tại địa phương.

Bò cái sinh sản được hỗ trợ là bò trưởng thành, khỏe mạnh đã được tiêm ngừa đầy đủ các loại vắc-xin, có trọng lượng trên 210 kg. Chương trình cũng chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi và tổ chức lớp tập huấn kiến thức chăn nuôi bò cái sinh sản. Việc tổ chức chọn nhà cung cấp giống được tổ chức chặt chẽ, công bằng. Theo đó, sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án, Tổ cộng đồng thực hiện chọn đơn vị cung cấp bò cái sinh sản, kiểm tra về chất lượng và giá bò sinh sản. Sau khi chọn được đơn vị cung cấp bò cái sinh sản, sẽ tổ chức giữa Tổ cộng đồng, UBND xã và đơn vị cung ứng để cùng nhau thống nhất về các nội dung của hợp đồng…

Đối với phương án chọn và giao bò cái sinh sản đến các hộ tham gia dự án, sau khi đã ký hợp đồng với đơn vị cung ứng giống, tổ chức đoàn đến trại giống của đơn vị cung ứng để chọn bò cái sinh sản, thành phần đoàn bao gồm: Tổ trưởng Tổ cộng đồng, đại diện UBND xã, các tổ phó, một số hộ dân có kinh nghiệm chọn bò. Sau khi chọn đủ số lượng bò sẽ tiến hành đánh số, tổ chức bốc thăm cho các hộ tham gia dự án và sẽ giao bò đến các hộ. Đơn vị cung ứng sẽ chịu trách nhiệm vận chuyển bò giống đảm bảo an toàn. Nếu trong quá trình vận chuyển bò bị thương, ảnh hưởng đến chất lượng bò thì đơn vị cung ứng phải chịu trách nhiệm đổi con bò khác…

Có thể nói niềm vui của chị Phi cùng gia đình anh Sỹ ở trên, cũng là niềm vui chung của tất cả các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã Hàm Đức nói riêng và huyện Hàm Thuận Bắc nói chung, nằm trong danh sách nhận bò từ dự án “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo” trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Hy vọng với vật nuôi được hỗ trợ, các gia đình sẽ nỗ lực vươn lên từ chính bàn tay, công sức của mình để thoát nghèo một cách bền vững.

TRẦN HUỲNH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Giáo dục nghề nghiệp góp phần giảm nghèo bền vững
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, thời gian qua, huyện Hàm Thuận Bắc luôn quan tâm, dành nguồn lực đào tạo nghề cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Qua đó, mở hướng sản xuất mới, tạo cơ hội để người nghèo vươn lên, ổn định cuộc sống.
Nổi bật
Bí thư Tỉnh ủy chủ trì giao ban các đơn vị khối Đảng trong thực hiện nhiệm vụ trọng tâm 2025
BTO-Sáng 25/12, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị giao ban công tác khối Đảng quý IV và giao nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 cho các cơ quan, đơn vị. Đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Đặng Hồng Sỹ - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy – Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có tập thể lãnh đạo các cơ quan thuộc khối Đảng cùng Thường trực Đảng ủy Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khát vọng thoát nghèo từ dự án “hỗ trợ bò sinh sản”