Tuyên truyền chương trình phòng, chống tác hại thuốc lá
Giảm 12,2% số người hút
Hàng năm, cả nước có không ít số lượng người chết do các bệnh từ thuốc lá gây ra; đồng thời gây ra gánh nặng về kinh tế cho người sử dụng, gia đình và xã hội. Vì vậy, thực hiện chương trình PCTHTL nhằm kiểm soát, giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá để giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá gây ra.
Tháng 5/2013, Bình Thuận triển khai chương trình PCTHTL và nhận sự hỗ trợ từ Quỹ PCTHTL của Bộ Y tế từ năm 2015. Suốt thời gian qua, gần 8.000 người gồm cán bộ UBND các cấp, thanh tra liên ngành, cán bộ y tế, y tế thôn bản, cộng tác viên, giáo viên, chủ nhà hàng, khách sạn... tham gia 176 lớp tập huấn. Nội dung tập huấn là phổ biến Luật PCTHTL; tác hại thuốc lá truyền thống, thuốc lá điện tử; cách cai nghiện; xây dựng môi trường không thuốc lá tại bệnh viện, cơ quan, trường học, nhà hàng, khách sạn, khu du lịch…; quy trình xử phạt vi phạm hành chính; kỹ năng truyền thông trực tiếp, kỹ thuật đăng tin, bài trên mạng xã hội về PCTHTL. Cùng với đó, nhiều cuốn sách, băng rôn, áp - phích, pa-nô đề cập tác hại thuốc lá ảnh hưởng bệnh tim mạch, phổi, sức khỏe sinh sản… chuyển đến cộng đồng.
Từ những nỗ lực tập huấn, truyền thông bằng nhiều hình thức, hoạt động PCTHTL ở Bình Thuận có sự thay đổi tích cực. Cụ thể, số người hút thuốc lá chủ động giảm 12,2%; người dưới 20 tuổi bắt đầu hút thuốc thì giảm 30,6%; người đang hút cố gắng bỏ thuốc tăng 39,5%; tăng 9,8% số người có hiểu biết về tác hại của hút thuốc lá. Riêng số người biết hút thuốc thụ động mắc bệnh lý nghiêm trọng thì không tăng, không giảm.
Tuyên truyền chương trình phòng, chống tác hại thuốc lá.
Còn đó khó khăn
Dẫu biết rằng cai nghiện thuốc lá càng sớm, thì lợi ích về sức khỏe giảm nguy cơ mắc ung thư, các bệnh tim mạch, mãn tính khác so với việc tiếp tục hút thuốc lá. Đồng thời, giảm gánh nặng tiền bạc vào việc mua thuốc lá, điều trị bệnh do hút thuốc lá gây ra. Tuy nhiên, câu chuyện cai nghiện hút thuốc lá không dễ dàng với người hút thuốc lá. Thậm chí, có người bỏ hút được vài tháng, thì hút trở lại.
Theo Tổng Hội Y học Việt Nam, nghiện thuốc lá là một bệnh nhưng chưa có chính sách khuyến khích các cơ sở y tế triển khai tư vấn và điều trị cai nghiện thuốc lá. Thiếu các loại thuốc thiết yếu trong điều trị nghiện thuốc lá. Kinh phí triển khai hoạt động tư vấn, điều trị cai nghiện chủ yếu do Quỹ PCTHTL hỗ trợ. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về lợi ích cai nghiện thuốc lá còn hạn chế. Các cơ sở y tế, cán bộ y tế chưa quan tâm, chủ động triển khai tư vấn cai nghiện này tại cơ sở. Nếu có, thì nhân lực kiêm nhiệm, dẫn đến khó khăn khi theo dõi, hỗ trợ bệnh nhân trong quá trình cai nghiện thuốc lá. Thêm vào đó, chính sách phụ cấp, tiền công cho nhân viên tư vấn, cán bộ y tế kiêm nhiệm chưa có.
Truyền thông thường xuyên
Để triển khai các hoạt động truyền thông, kiểm soát việc hút thuốc lá, giám sát việc thực hiện Luật PCTHTL, không riêng gì một tỉnh mà tất cả các tỉnh, thành cần có sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và toàn thể người dân. Đây là việc làm thường xuyên, cung cấp thông tin cho người dân thấu hiểu tác hại của thuốc lá, chung tay cùng ngành y tế chống lại tác hại này. Từ đó người dân dần dần cai thuốc và bỏ hút thuốc lá. Đó là chia sẻ của Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính – Phó Chủ tịch Thường trực Tổng hội Y học Việt Nam.
Bác sĩ chuyên khoa II, Lê Văn Hồng - Phó Giám đốc Sở Y tế Bình Thuận cho biết: Ngành y tế tỉnh sẽ phối hợp các đơn vị, địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân hiểu biết thêm về tác hại của thuốc lá đến sức khỏe. Cũng như thực hiện công tác kiểm tra, giám sát trong thời gian tới tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Thông qua kiểm tra, giám sát, ngành y tế tỉnh sẽ nắm bắt được tình hình đơn vị tổ chức thực hiện PCTHTL như thế nào và có hướng khắc phục.