Theo dõi trên

Không hoang mang và không chủ quan

07/03/2022, 06:01

Một tháng sau tết Nguyên đán Nhâm Dần, tình hình diễn biến dịch Covid-19 nổi lên là số ca mắc mới đang tăng nhanh ở hầu hết các tỉnh - thành, trong đó biến thể Omicron dần thay thế biến thể Delta. Tuy nhiên do tỷ lệ bao phủ vắc xin cao trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt đã có sự chăm sóc đối tượng nguy cơ cao, nên tỷ lệ chết/mắc trên cả nước giảm sâu (ngày 1/2 là 0,9% và ngày 3/3 là 0,1%).

tiem-vac-xin-covid19.jpg
Tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại Phan Thiết. Ảnh minh họa.

Một hiện tượng phát sinh đáng lưu ý: Sau khi mở cửa trường học, học sinh đi học trực tiếp, tỷ lệ lây nhiễm cao và các em trở về nhà lây nhiễm cho người thân trong gia đình, trong đó có ông, bà, bố, mẹ tuổi cao, có bệnh nền. Vì vậy cần sớm triển khai tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 - 11 tuổi; tiêm vét cho người già có bệnh nền và hoàn thành tiêm mũi 3 cho người lớn ngay trong tháng 3 này.

Một vấn đề phát sinh khác là số ca F0, F1 tăng cao, tăng nhanh, đang ảnh hưởng tới nguồn lao động, công tác trong các cơ quan, đơn vị, trường học… do phải điều trị, cách ly. Bộ Y tế đang xem xét điều chỉnh một số nội dung theo hướng giảm thời gian cách ly y tế, nhưng tăng cường khuyến cáo thực hiện 5K để hạn chế lây nhiễm. Chính phủ yêu cầu xây dựng lộ trình bình thường hóa với Covid-19 (coi như một bệnh bình thường) trong đó có dỡ bỏ dần hạn chế đối với người nhập cảnh, người mắc ở thể nhẹ, người tiếp xúc gần…

Sau 2 năm liên tục cập nhật lên Cổng thông tin điện tử, Bộ Y tế cũng xin phép BCĐ quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho phép tạm dừng việc thông báo số ca nhiễm SARS-CoV-2 hàng ngày để tránh gây hoang mang, vì số ca nhiễm chỉ là 1/8 chỉ số đánh giá tình hình cấp độ dịch, mà chưa phản ánh đúng bản chất tình hình dịch bệnh.

Một hiện tượng đáng lo ngại khác là cũng do độ phủ vắc xin cao, tỷ lệ tử vong thấp, biến chủng Omicron lây lan nhanh, nhưng ít trở nặng… nên có tâm lý chủ quan cho rằng “không mắc trước thì cũng mắc sau”, nên lơ là 5K, khiến số ca nhiễm tăng nhanh, nguy cơ làm quá tải hệ thống y tế.

Đánh giá tình hình dịch Covid -19 ở Việt Nam, theo Thủ tướng Chính phủ: Tình hình dịch Covid-19 đang trong tầm kiểm soát, dù số ca mắc tăng nhưng số ca chuyển nặng và tử vong giảm rõ rệt, nhờ Việt Nam đã thành công trong bao phủ vắc xin cho toàn dân. Nhờ đó, tình hình KT-XH đang có sự phục hồi, phát triển, tâm lý xã hội không còn hoang mang, lo sợ, mà mạnh dạn, tự tin mở cửa trở lại các hoạt động. Tuy nhiên thời gian tới tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường, việc nới lỏng cách ly y tế, mở cửa trường học, mở cửa du lịch (cả du lịch quốc tế) sẽ không tránh khỏi gia tăng nguy cơ lây nhiễm, tiếp tục gia tăng áp lực lên hệ thống y tế. Chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, mất cảnh giác, nhưng cũng bình tĩnh, không hoang mang, lo sợ, vì chúng ta đã có kinh nghiệm đối phó, đã có tỷ lệ bao phủ vắc xin cao. Phải tiếp tục thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; Thần tốc hơn nữa trong tiêm phủ vắc xin cho cả người lớn và trẻ em; tiếp tục thực hiện tốt 5K; tăng cường cấp phép thuốc điều trị Covid-19, hướng dẫn điều trị F0 tại nhà; kiểm soát số ca nhiễm, chuyển nặng, tử vong, không để quá tải hệ thống y tế.

KHÔI NGUYÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Áp lực phải thay đổi
1. Ngay những ngày mở biển đầu năm mới, giá xăng dầu liên tục leo thang khiến ngư dân lo lắng càng ra khơi càng lỗ. Giá xăng dầu tăng cao kéo theo các mặt hàng thiết yếu khác đều tăng, cộng với nguồn lợi thủy sản ngày càng khan hiếm, giá cả tiêu thụ bấp bênh, khiến nhiều tàu cá phải nằm bờ, kéo theo nhiều lao động biển không có thu nhập.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không hoang mang và không chủ quan