Nuôi lợn an toàn sinh học kết hợp chế phẩm vi sinh phòng ngừa dịch tả lợn châu Phi. |
Thời gian qua, tại một số tỉnh thành trên cả nước đã thử nghiệm thành công sử dụng chế phẩm vi sinh trộn vào thức ăn chăn nuôi cho thấy, đàn lợn phát triển khoẻ mạnh nếu kết hợp với biện pháp an toàn sinh học. Đơn cử, tại tỉnh Hưng Yên nơi đã có gần 4 triệu con lợn phải tiêu hủy vì dịch tả, chiếm khoảng 15% tổng đàn lợn của cả nước nhờ áp dụng các biện pháp an toàn sinh học đồng thời kết hợp sử dụng chế phẩm vi sinh nhiều đàn lợn an toàn dịch bệnh.
Tại một số địa phương khác như TP. Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, Nam Định mặc dù nằm trong vùng dịch nhưng do sử dụng thức ăn có bổ sung men vi sinh kết hợp chăn nuôi an toàn sinh học, đàn lợn của các hộ thử nghiệm vẫn an toàn, trong khi nhiều hộ đã phải tiêu hủy lợn.
Từ thực tế có sự may mắn nhiều hộ chăn nuôi “tự cứu mình” bằng các mô hình chăn nuôi chủ động áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, sử dụng các loại chế phẩm để hạn chế thiệt hại và bảo vệ được đàn lợn sống sót, dù dịch bệnh vây quanh. Theo ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), các chế phẩm vi sinh được sử dụng trong cả thức ăn, nước uống, phun trong môi trường để gia tăng vi khuẩn có lợi, đồng thời ức chế vi khuẩn có hại, cũng như các loại virus gây bệnh trong đó có dịch tả lợn châu Phi.
Một số loại chế phẩm đã sử dụng có hiệu quả như: BioSpring, Fukoku, Tập đoàn Quế Lâm... Đây là những chế phẩm không hiếm, quan trọng là người nuôi phải sử dụng đúng quy trình, hợp lý. Được biết, sắp tới Cục Chăn nuôi sẽ phổ biến các quy trình chăn nuôi và sử dụng các loại chế phẩm nói trên cho các hộ chăn nuôi ứng dụng.
Chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn sinh học được thực hiện theo quy trình khép kín từ khâu chọn con giống, phải đảm bảo không mang mầm bệnh, khỏe mạnh, sức đề kháng tốt, được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin ngừa các bệnh truyền nhiễm như dịch tả, tai xanh, lở mồm long móng. Chuồng trại phải đảm bảo vệ sinh và đảm bảo đủ điều kiện không khí, đủ ánh sáng, thoát nước tốt…
Các xã, thị trấn tiếp tục vận động các hộ nuôi có quy mô vừa có số lượng nuôi từ 30 con lợn trở lên mua lưới che chắn chuồng trại hạn chế nguồn lây bệnh từ chuột, bọ, ruồi, muỗi… bảo vệ đàn lợn; đồng thời tuyên truyền người dân hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ chưa đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn sinh học.
Từ ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên xuất hiện tại xã Đức Chính đến nay huyện Đức Linh đã tiêu hủy đến 26.911 con của 1.141 hộ chăn nuôi với khối lượng lớn trên 1.801 tấn, chiếm 88,7% số lợn tiêu hủy toàn tỉnh với 11/13 xã đã công bố dịch. Hy vọng bằng các giải pháp dập dịch quyết liệt của địa phương cùng với thực hiện các biện pháp an chăn nuôi an toàn kết hợp chế phẩm vi sinh đúng quy trình sẽ là “tín hiệu vui” giúp ứng phó dịch bệnh hiệu quả để bảo vệ đàn lợn còn lại khoảng 77.000 con.
T.Duyên