Đảng viên chính thức khi 18 tuổi
Sinh ra trong một gia đình nho học và khoa bảng ở một địa phương có truyền thống hiếu học và yêu nước, đồng chí Lê Văn Lương đã kế thừa được các phẩm chất cao quý của gia đình, dòng họ và quê hương. Từ những năm học Trường Bưởi, cùng với người bạn học Nguyễn Văn Cừ, Lê Văn Lương được Ngô Gia Tự giác ngộ cách mạng. Năm 1927, khi mới 15 tuổi, là học sinh Trường Bưởi, đồng chí đã tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, được tư tưởng Nguyễn Ái Quốc dẫn đường, đồng chí Lê Văn Lương luôn thể hiện nhiệt huyết của tuổi trẻ muốn được hiến thân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc thoát khỏi ách thực dân, phong kiến. Tháng 6/1929, đồng chí gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng. Tháng 8/1929, đồng chí Lê Văn Lương được cử vào Nam bộ hoạt động, cùng với đồng chí Ngô Gia Tự trong phong trào công nhân Sài Gòn để thực hiện chủ trương “vô sản hóa” của Đảng. Tháng 1/1930, đồng chí Ngô Gia Tự thay mặt Trung ương Đông Dương Cộng sản Đảng công nhận đồng chí là đảng viên chính thức của Đảng. Sau khi trở thành đảng viên chính thức, đồng chí càng tích cực hoạt động nhằm xây dựng cơ sở và phát triển đảng viên mới trong công nhân, lao động Sài Gòn - Chợ Lớn. Cuối năm 1930, đồng chí được tổ chức điều động về hoạt động tại hãng dầu Socony (hãng dầu Nhà Bè) với nhiệm vụ xây dựng cơ sở cách mạng, chỉ đạo phát triển chi bộ Đảng và xây dựng các tổ chức quần chúng trong công nhân. Tháng 1/1931, diễn ra Đại hội Tổng Công hội Nam Kỳ lần thứ II, đồng chí Lê Văn Lương được bầu làm ủy viên Tổng Công hội Nam Kỳ.
Đến tháng 3/1931, đồng chí bị chính quyền thực dân Pháp bắt và giam tại Khám Lớn Sài Gòn. Năm 1933, đồng chí bị kết án tử hình cùng với 7 người khác, sau đó được giảm xuống án chung thân và bị đày ra Côn Đảo. Tháng 9/1945, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí được đón về Nam bộ, tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Nam bộ. Tháng 10/1945, đồng chí được cử làm ủy viên dự khuyết Xứ ủy Nam bộ. Tháng 1/1946, đồng chí được Trung ương điều ra Bắc, giúp Tổng Bí thư Trường Chinh chỉ đạo Báo Sự thật và Nhà xuất bản Sự thật.
Đóng góp nhiều cho sự nghiệp xây dựng Đảng
Đồng chí Lê Văn Lương đã trải qua nhiều trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, trên cương vị nào, đồng chí luôn nêu gương sáng về lòng tận tụy, trung thành, cần, kiệm, liêm, chính, luôn đặt lợi ích cách mạng lên trước hết và trên hết. Năm 1948, khi được bầu bổ sung làm ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được chỉ định làm Chánh Văn phòng Trung ương, đồng chí là người làm việc bên cạnh Bác Hồ và các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Đảng giúp Tổng Bí thư Trường Chinh giải quyết các công việc hàng ngày của Đảng. Đặc biệt, đồng chí Lê Văn Lương đã góp phần quan trọng vào việc soạn thảo Nghị quyết Hội nghị cán bộ Trung ương (miền Bắc Đông Dương) bàn về tổ chức các ban, tiểu ban ở Trung ương và cấp ủy địa phương.
Khi đảm nhiệm vai trò ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng, đồng chí Lê Văn Lương đã có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp xây dựng Đảng ngày càng lớn mạnh, như: xác định rõ mục đích, tôn chỉ của công tác tổ chức, xây dựng Đảng trong điều kiện lịch sử mới; kiện toàn bộ máy tổ chức của Đảng; tổ chức Đảng trong vùng bị địch tạm chiếm, trong quân đội và công an; mở đầu xây dựng, kiện toàn và đặt nề nếp cho sự hoạt động của Ban Tổ chức Trung ương; góp phần xây dựng và hoàn thiện đường lối, chính sách công tác tổ chức - cán bộ của Đảng. Với vai trò chỉ đạo trực tiếp của đồng chí, Đảng ta đã phát triển được đội ngũ cán bộ có phẩm chất và năng lực, có hệ thống cơ sở Đảng vững mạnh ở các cấp, ngành, địa phương với cơ chế hoạt động ngày càng tiến bộ. Đối với công tác tổ chức, đồng chí Lê Văn Lương luôn kiên nhẫn, tỉ mỉ, có trách nhiệm cao đối với sinh mạng chính trị của cán bộ đảng viên. Đồng chí luôn chú trọng tới công tác bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng; đấu tranh không khoan nhượng đối với cái sai; gần gũi quần chúng, giúp đỡ đồng chí mình tiến bộ. Đồng chí đã luôn đi sát cơ sở, đặc biệt chú trọng chỉ đạo thực hiện đường lối, chính sách cán bộ của Đảng.
Những năm tháng chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, rồi trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đồng chí Lê Văn Lương được phân công đảm nhận các cương vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, phụ trách các lĩnh vực, như: công tác văn phòng, tổ chức, nội vụ, công tác tư tưởng, giáo dục lý luận chính trị, báo chí, xuất bản. Dù ở bất cứ cương vị công tác nào, đồng chí cũng nêu gương sáng về lòng tận tụy, trung thành, cần, kiệm, liêm, chính, khiêm tốn, giản dị và trung thực, luôn đặt lợi ích cách mạng lên trước hết và trên hết. Cuộc đời hoạt động cách mạng trong sáng của đồng chí gắn liền với sự nghiệp chung của toàn Đảng, toàn dân. Trong quá trình cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, đồng chí Lê Văn Lương là người tích cực đi xuống cơ sở nắm tình hình, xác minh những sai lầm để báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, giúp Trung ương đề ra những biện pháp sửa sai.
Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Lê Văn Lương đã để lại những tình cảm tốt đẹp trong lòng đồng chí, đồng nghiệp và quần chúng nhân dân. Khi nhắc đến đồng chí, mọi người đều nghĩ ngay đến một người cộng sản kiên cường, dũng cảm, chân thực, một cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng, người đồng chí mẫu mực, đạo đức cách mạng trong sáng, chí công vô tư, một người con ưu tú của dân tộc Việt Nam.
Đồng chí Lê Văn Lương từ trần ngày 25/4/1995 tại Bệnh viện Quân y 108 Hà Nội, thọ 83 tuổi. Với gần 70 năm hoạt động và cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí Lê Văn Lương được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.