Một đời phục vụ cách mạng
Tuổi thiếu niên, ông được học tại Trường tiểu học Pháp – Việt ở thị xã Lạng Sơn. Trong quãng thời gian học được chứng kiến nhiều biến động mới của phong trào yêu nước diễn ra sôi nổi khắp cả nước, đặc biệt là cuộc đấu tranh của thanh niên, học sinh đòi thả nhà yêu nước Phan Bội Châu, để tang nhà yêu nước Phan Chu Trinh đã thôi thúc Hoàng Văn Thụ cùng nhóm học sinh yêu nước trong trường tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu tuyên truyền của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên.
Tháng giêng năm 1928 Hoàng Văn Thụ và Lương Văn Tri từ Đồng Đăng – Lạng Sơn sang Trung Quốc, bắt liên lạc với ông Bùi Ngọc Thành, đại diện của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên hoạt động ở khu vực Long Châu – Nam Ninh. Với bí danh là Lôi Minh Hạ, Hoàng Văn Thụ vừa làm công việc của một người thợ cơ khí, vừa thâm nhập tuyên truyền gây dựng cơ sở quần chúng bí mật giúp đỡ cách mạng Việt Nam. Đến cuối năm 1928, Hoàng Văn Thụ được kết nạp vào tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Hoàng Văn Thụ được chi bộ Đảng phân công phụ trách để phát triển phong trào cách mạng ở tỉnh Lạng Sơn. Giữa năm 1938, ông được Xứ ủy Bắc Kỳ phân công tăng cường chỉ đạo phong trào cách mạng ở các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Yên, Hải dương. Tại Hội nghị Xứ ủy Bắc Kỳ mở rộng do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ triệu tập đầu tháng 9/1939 tại làng Vạn Phúc (Hà Đông) bàn chủ trương chỉ đạo phong trào cách mạng giai đoạn mới, Trung ương Đảng đã cử ông làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Tháng 11/1940, tại Hội nghị Trung ương 7 diễn ra tại làng Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh, ông được bầu làủy viên Banchấp hành Trung ương Đảng khóa I. Tại Hội nghị trung ương 8 (tháng 5/1941), ông được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đặc trách công tác công vận và binh vận của Đảng.
Những cống hiến to lớn của ông
Thực hiện chủ trương của Xứ ủy về việc củng cố và tăng cường phong trào đấu tranh của công nhân mỏ Quảng Ninh. Với bí danh là Vân, ông đã tới mỏ than Hà Lầm khoảng giữa tháng 9/1939. Trong vai người thợ đùn máng than, anh Vân đã lăn lộn với cuộc sống lao động cực nhọc của người công nhân, chắp nối, củng cố các cơ sở trung kiên, động viên, khích lệ, xây dựng và bồi đắp niềm tin đấu tranh cho công nhân mỏ. Những ngày ở mỏ than Hà Lầm không lâu, nhưng hình ảnh anh Vân – người cán bộ tận tụy vì phong trào đã để lại cho công nhân mỏ than Hà Lầm một tình cảm cách mạng sâu sắc. Cùng với việc chỉ đạo phong trào cách mạng ở nhiều tỉnh, ông còn dành thời gian chỉ đạo, củng cố Thành ủy Hà Nội sau nhiều lần tan vỡ do bị kẻ thù đàn áp. Với sự chỉ đạo tích cực của ông, đến cuối năm 1939, Thành ủy Hà Nội từng bước được phục hồi, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ.
Trên cương vị Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, ông đã đề nghị Xứ ủy lập tờ báo Giải phóng làm cơ quan tuyên truyền của Xứ ủy. Đảm nhận vai trò chủ bút, ông thường xuyên viết nhiều bài tuyên truyền chủ trương đấu tranh của Đảng, của Xứ ủy Bắc Kỳ với bí danh là Lý. Giữa năm 1940, hoảng sợ trước sự lớn mạnh của phong trào cách mạng do Đảng ta lãnh đạo, thực dân Pháp liên tục tăng cường lùng sục, vây ráp, truy bắt cán bộ cách mạng khắp nơi. Trước sự khủng bố gắt gao đó, cơ quan Xứ ủy Bắc Kỳ đã phải di chuyển đến nhiều địa điểm bí mật. Những ngày tháng gian khổ, hoạt động gần gũi với các cơ sở quần chúng cách mạng trung kiên, hình ảnh anh Lý – người Bí thư Xứ ủy tận tâm với nhiệm vụ, luôn chăm lo tới cơ sở và phong trào cách mạng đã để lại cho cán bộ, quần chúng những tình cảm trân trọng, quý mến như đối với người anh em ruột thịt trong gia đình. Ở cương vị Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng đặc trách công tác công vận và binh vận của Đảng, ông đã góp phần làm thức tỉnh và lôi kéo được nhiều binh sĩ, sĩ quan yêu nước người Việt trong quân đội Pháp ở thuộc địa, tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, tiến tới giành chính quyền Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công.
Người chiến sĩ cộng sản bất khuất
Giữa lúc phong trào cách mạng đang trên đà phát triển mạnh mẽ, ngày 25/8/1943 ông bị mật thám Pháp bắt tại ngõ Nam Diệm, khu Tám Mái (Hà Nội). Biết ông là cán bộ cao cấp của Đảng, Phủ Toàn quyền Đông Dương đã ra lệnh cho Sở Mật thám Bắc Kỳ bằng mọi cách bắt ông khai ra cơ quan lãnh đạo Trung ương của Đảng. Chúng đã dùng nhiều thủ đoạn xảo quyệt, dã man, từ mua chuộc, dụ dỗ đến tra tấn cực hình song vẫn không khuất phục được ý chí, tinh thần cách mạng của người chiến sĩ cộng sản Hoàng Văn Thụ. Trong cơn đau thể xác do kẻ thù tra tấn, ông vẫn kiên cường bảo vệ Đảng, bảo vệ đồng đội, động viên mọi người nhớ đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc lên trên lợi ích cá nhân. Bất lực trước ý chí kiên cường của ông, thực dân Pháp cho mở cái gọi là “Tòa án đại hình” để xử tội ông. Trong những ngày trước khi nhận án tử hình, ông đã làm những vần thơ đầy dũng khí cách mạng nhắn nhủ đồng chí, đồng bào mình: “Việc nước xưa nay có bại thành/ Miễn sao giữ được trọn thanh danh/ Phục thù chí lớn không hề nản/ Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành/ Thân dẫu lao tù lâm cảnh hiểm/ Chí còn theo dõi buổi tung hoành/ Bạn hỡi xa gần hăng chiến đấu/ Trước, sau xin giữ tấm lòng thành”.
Rạng sáng ngày 24/5/1944, kẻ thù đã xử bắn ông tại trường bắn Tương Mai (Hà Nội). Trước họng súng của quân thù, ông đã có những lời lẽ đanh thép: “Trong cuộc đấu tranh sinh tử giữa chúng tôi, những người mất nước và các ông những kẻ cướp nước, sự hy sinh của những người như tôi là lẽ dĩ nhiên, chỉ biết rằng cuối cùng chúng tôi sẽ thắng”. Người chiến sĩ cộng sản Hoàng Văn Thụ đã trở thành bài ca cách mạng vang mãi cho các thế hệ cách mạng Việt Nam trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Như NguyỄn