Theo dõi trên

Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Lương Bằng (2/4/1904 - 2/4/2024): Một nhân cách lớn, một người cộng sản mẫu mực

02/04/2024, 08:45

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng (với các bí danh: Anh Cả, Anh Cả Đỏ, Sao Đỏ - những tên gọi kính trọng mà nhiều thế hệ chiến sĩ cộng sản dành tặng) là một nhà cách mạng chuyên nghiệp, nổi tiếng của Đảng và Nhà nước ta. Là người học trò, người cộng sự thân thiết và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí luôn phấn đấu, rèn luyện xứng đáng với những lời căn dặn của Người.

Đi đầu trong các cuộc đấu tranh

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng sinh ngày 2/4/1904 trong một gia đình nhà nho nghèo ở thôn Đông, xã Đoàn Lâm, tổng Đoàn Lâm, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương (nay là thôn Đông, xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương). Cha mất sớm, nên từ khi còn nhỏ tuổi, đồng chí Nguyễn Lương Bằng phải bỏ học, làm đủ mọi nghề để kiếm sống và giúp đỡ gia đình. Khi lớn lên, đồng chí làm nhiều nghề kiếm sống (nghề may, phụ bếp, công nhân tàu biển). Đến năm 1925, sau khi sang Quảng Châu, Trung Quốc, Nguyễn Lương Bằng được gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng; được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và theo học lớp huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc tổ chức. Từ tháng 10/1927 đến tháng 12/1928, đồng chí vào Sài Gòn tuyên truyền, vận động cách mạng trong công nhân và thanh niên.

Năm 1931, đồng chí bị mật thám Pháp bắt tại Thượng Hải, áp giải về nước; lần lượt bị giam tại bốt Catina (Sài Gòn), nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), nhà lao Hải Dương. Sau khi bị tòa án thực dân tại Hải Dương kết án phát lưu chung thân, đồng chí lần lượt bị giam tại nhà lao Hải Dương, nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Tháng 12/1932, đồng chí vượt ngục và tiếp tục hoạt động cách mạng. Cuối năm 1933, đồng chí bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai và bị tòa án thực dân ở Bắc Giang kết án khổ sai chung thân. Tháng 5/1935, đồng chí bị đày lên nhà tù Sơn La.

pct-nguyen-luong-bang.jpeg

Suốt 8 năm (từ năm 1935 đến khi vượt ngục năm 1943), trong Nhà tù Sơn La, đồng chí Nguyễn Lương Bằng là người luôn đi đầu trong các cuộc đấu tranh chống lại bọn cai ngục, nêu cao khí phách hiên ngang, bất khuất trước kẻ thù. Đến tháng 8/1943, cùng một số cán bộ của Đảng vượt ngục thành công và trở về tiếp tục hoạt động cách mạng; đồng chí được Thường vụ Trung ương Đảng giao phụ trách công tác tài chính và công tác binh vận.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước: Trưởng ban Kinh tế -Tài chính Trung ương, Tổng giám đốc Ngân hàng quốc gia Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền đầu tiên của Việt Nam tại Liên Xô, Tổng Thanh tra Chính phủ, Phó Chủ tịch nước. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng mất ngày 20/7/1979, tại Hà Nội, thọ 75 tuổi.

Tấm gương đạo đức cách mạng mẫu mực

Suốt quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng luôn là tấm gương đạo đức cách mạng mẫu mực, sáng ngời. Có lần, trong ngục tù Hỏa Lò, anh em tù chính trị có được một số tiền do người nhà gửi vào và giao cho Nguyễn Lương Bằng quản lý. Trước khi vượt ngục Hỏa Lò, ông chia số tiền đó, cùng quần áo, thuốc men cho anh em chuẩn bị vượt ngục, còn bản thân mình không giữ một đồng nào.

Trong nhiều năm giữ các chức vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, đồng chí Nguyễn Lương Bằng vẫn chắt chiu từng đồng để bổ sung vào quỹ Đảng. Có những lần đi công tác, ông không dùng tiền của Đảng, mà bí mật về quê bán thóc, lấy tiền đi đường. Vì vậy, nhiều đồng chí quý trọng gọi ông là “Anh Cả Đỏ”, đồng chí “Sao Đỏ”. Tổng Bí thư Trường Chinh từng nói, trong thời gian phụ trách công tác tài chính của Đảng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã thể hiện đức tính liêm khiết tuyệt đối, rất minh bạch trong hoạt động tài chính, do vậy, Đảng rất yên tâm khi giao đồng chí phụ trách tài chính. Đồng chí Nguyễn Thọ Chân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Thành ủy Sài Gòn-Chợ Lớn, từng nói về đồng chí Nguyễn Lương Bằng: “Anh rõ ràng là người thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư theo gương Hồ Chí Minh vĩ đại. Anh theo Bác không phải bằng thuyết giảng về đạo đức, mà bằng cách sống và chiến đấu theo phong cách hằng ngày của Người”.

vna_potal_le_ky_niem_120_nam_ngay_sinh_dong_chi_nguyen_luong_bang_7294252.jpeg
Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng cùng Ủy viên Trung ương Đảng, Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và các đại biểu tham quan Nhà trưng bày lưu niệm đồng chí Nguyễn Lương Bằng nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Lương Bằng. 

Đạo đức cách mạng của đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “Đó là một cử chỉ vô tư, tốt đẹp, không ham chuộng địa vị, đặt lợi ích của dân tộc, của đoàn kết toàn dân lên trên lợi ích cá nhân. Đó là một cử chỉ đáng khen, đáng kính mà chúng ta phải học tập”. Nhiều năm được làm việc bên Bác, được Bác chỉ bảo tận tình, đồng thời luôn phấn đấu, học tập và làm theo Bác, do vậy đồng chí Nguyễn Lương Bằng kế thừa, học tập được rất nhiều điều từ tấm gương đạo đức ngời sáng của Bác Hồ, suốt đời phấn đấu, hy sinh vì lợi ích của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng rất chú trọng đến xây dựng Đảng, đặc biệt là dựa vào quần chúng để xây dựng Đảng, xem đó là phương châm công tác của mình. Đồng chí cho rằng, nếu không dựa vào quần chúng để xây dựng Đảng, Đảng sẽ dẫn đến tình trạng “lỏng chân đứng”. Vì vậy, đồng chí ra sức tổ chức, xây dựng các tổ chức, đoàn thể quần chúng, lấy đó làm bàn đạp để xây dựng Đảng. Quan điểm của đồng chí là các tổ chức, đoàn thể quần chúng lớn mạnh, phát triển rộng rãi, thì Đảng cũng sẽ lớn mạnh, phát triển rộng rãi. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, đồng thời, cũng là sự nghiệp của Đảng, khi kết hợp hai yếu tố đó sẽ tạo nên sức mạnh của Đảng...

Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Lương Bằng trong bối cảnh các cấp, các ngành, địa phương đang nỗ lực đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2020-2025); các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII và Kết luận số 21 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; gắn với thực hiện Kết luận số 01 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây là dịp để chúng ta tri ân và noi theo tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của đồng chí Nguyễn Lương Bằng, đó là không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng, phát huy vai trò tiên phong của mỗi cán bộ, đảng viên, sẵn sàng vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, hiểm nguy, nỗ lực học tập, rèn luyện, nêu cao tinh thần bảo vệ Đảng, bảo vệ khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới trong xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

THU HÀ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (2/2/1908 - 2/2/2018): Nguyễn Đức Cảnh - người cộng sản trung kiên
BT- Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh sinh ngày 2/2/1908 trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước tại làng Diêm Điền, huyện Thụy Anh, nay là thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Lương Bằng (2/4/1904 - 2/4/2024): Một nhân cách lớn, một người cộng sản mẫu mực