60 năm qua, Ngành Bảo vệ chính trị nội bộ đã thể hiện rõ vai trò trong việc làm trong sạch nội bộ Đảng, bảo vệ cơ quan lãnh đạo, bảo vệ chính quyền nhân dân cho đến việc bảo vệ nền tảng tư tưởng, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và bí mật Nhà nước… góp phần quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Những thành quả
Ngày 12/9/1962 đã trở thành dấu mốc lịch sử của Ngành Bảo vệ chính trị nội bộ Đảng, đánh dấu sự ra đời cơ quan chuyên trách bảo vệ Đảng. Theo đó, ở mỗi giai đoạn lịch sử cách mạng, công tác bảo vệ chính trị nội bộ Đảng đã có những yêu cầu, những nhiệm vụ khác nhau nhưng nhìn chung phải đáp ứng được mục tiêu bảo vệ. Đó là nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, đường lối, nguyên tắc tổ chức của Đảng; sự trong sạch, vững mạnh của các tổ chức đảng và sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; bảo vệ cán bộ, đảng viên; bảo vệ bí mật của Đảng và Nhà nước; chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị.
60 năm qua, công tác bảo vệ chính trị nội bộ Đảng luôn được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy, tổ chức đảng trong cả nước tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, từ đó đạt nhiều kết quả nổi bật. Điển hình như, hệ thống các văn bản quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện dần phù hợp với yêu cầu của tình hình mới. Kịp thời quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ và đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân để nâng cao nhận thức, đấu tranh có hiệu quả với các âm mưu, thủ đoạn chiến lược “diễn biến hòa bình”, âm mưu thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, phá hoại sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Công tác rà soát, thẩm tra, xác minh, thẩm định, kết luận về tiêu chuẩn chính trị, nhất là vấn đề chính trị hiện nay đối với cán bộ, đảng viên cũng đã được thực hiện chặt chẽ, chủ động, bài bản, khoa học và hiệu quả hơn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và các thủ đoạn nhằm móc nối, mua chuộc, lôi kéo của các thế lực thù địch, phản động... Những thành quả đó đã góp phần quan trọng khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội cũng như củng cố niềm tin của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước cùng toàn Đảng, toàn dân bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Tại Bình Thuận công tác bảo vệ chính trị nội bộ được tỉnh đặc biệt quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Tỉnh ủy đặt công tác bảo vệ chính trị nội bộ dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy và thực hiện đúng quy định về thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ được giao đối với công tác này. Mặt khác, tỉnh thường xuyên thực hiện công tác giáo dục chính trị, tư tưởng để nâng cao bản lĩnh chính trị, nâng cao nhận thức, trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhờ đó nhận thức, trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị về ý nghĩa, tầm quan trọng của bảo vệ chính trị nội bộ, về những yêu cầu đặt ra đối với công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong giai đoạn hiện nay không ngừng được nâng lên, tạo ra sự chuyển biến tích cực trong thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, Bình Thuận thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, kỹ lưỡng công tác rà soát, thẩm định, thẩm tra và kết luận rõ tiêu chuẩn chính trị của cán bộ, đảng viên, nhất là đối với nhân sự tham gia cấp ủy các cấp; tăng cường quản lý hoạt động của báo chí, truyền thông, mạng xã hội, đảm bảo an toàn, an ninh mạng...
Nhiệm vụ trong thời gian đến
Trong bối cảnh hiện nay, trước diễn biến phức tạp, nhiều mặt tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, trong đó có sự chống phá và âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch đã lôi kéo, kích động, tác động đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, gây chia rẽ mất đoàn kết nội bộ… Trước thực tế này, công tác bảo vệ chính trị nội bộ cần được các cấp ủy trong cả nước quan tâm, chú ý hơn.
Mới đây, tại lễ Kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Bảo vệ chính trị nội bộ Đảng được tổ chức tại Hà Nội, đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương yêu cầu Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương, Cục Bảo vệ chính trị nội bộ, các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, quy định của Đảng; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu về công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Bên cạnh đó nắm chắc tình hình, kiên quyết phòng, chống các biểu hiện bè phái, “lợi ích nhóm” và các hành vi kích động, gây rối, chia rẽ làm mất đoàn kết nội bộ. Tăng cường công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, quản lý tốt hoạt động báo chí, truyền thông, mạng xã hội, bảo đảm an toàn, an ninh mạng…Đồng thời, phát hiện kịp thời, thẩm tra, xác minh những vấn đề chính trị nội bộ; thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, kỹ lưỡng công tác rà soát, thẩm định, thẩm tra và kết luận rõ về tiêu chuẩn chính trị của cán bộ, đảng viên, nhất là khi bố trí, đề bạt cán bộ. Khi xem xét lịch sử chính trị với chính trị hiện nay thì vấn đề chính trị hiện nay là chính; giữa bản thân với quan hệ gia đình thì bản thân là chính; giữa quản lý đầu vào với xử lý đầu ra thì quản lý đầu vào là chính; giữa xử lý với sử dụng thì sử dụng là chính; xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan chức năng; phát huy vai trò, trách nhiệm của mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong tập hợp, vận động nhân dân tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng và cán bộ, đảng viên.
“Với chức năng, nhiệm vụ của mình, trong mọi thời điểm, Ban Tổ chức Tỉnh ủy luôn xác định công tác bảo vệ chính trị nội bộ là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng Đảng, đây cũng là yêu cầu vừa cấp bách vừa thường xuyên để Đảng luôn trong sạch và vững mạnh, đoàn kết và thống nhất; đồng thời, đảm bảo sự chủ động trong việc phòng ngừa từ sớm, từ xa các nguy cơ và những nhân tố tiềm ẩn có thể gây mất ổn định chính trị, xã hội do các thế lực thù địch, phản động gây ra…”, đồng chí Nguyễn Thanh Nam - UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy nhấn mạnh.