Theo dõi trên

Kỷ niệm 68 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2022): Mãi là niềm tự hào của dân tộc

04/05/2022, 09:31

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, chiến thắng Điện Biên Phủ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là một trong những đỉnh cao chói lọi, một kỳ tích vẻ vang của thời đại Hồ Chí Minh, giáng đòn quyết định tạo bước ngoặt lịch sử làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh giữa ta và địch.

dien-bien.jpg
Chiến thắng Điện Biên Phủ: Chấn động năm châu, lừng lẫy địa cầu. Ảnh tư liệu.

Sau Cách mạng Tháng Tám – năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời đã gặp phải muôn vàn khó khăn “ngàn cân treo sợi tóc”, thù trong, giặc ngoài, “giặc đói”, “giặc dốt”… nhưng với sự “chèo lái” đúng đắn, linh hoạt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, với tinh thần “cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược quân sự của thực dân Pháp, giành quyền chủ động trên các mặt trận. Quân ta càng đánh, càng mạnh, càng đánh, càng thắng; quân viễn chinh Pháp ngày càng lún sâu vào thế bị động, lúng túng.

Để cứu vãn tình thế, bước vào Thu – Đông năm 1953, thực dân Pháp và can thiệp Mỹ đã cho ra đời Kế hoạch Nava tăng viện lớn về binh lực và chi phí chiến tranh, mưu toan trong vòng 18 tháng sẽ tiêu diệt phần lớn bộ đội chủ lực của ta, kiểm soát lãnh thổ Việt Nam và bình định cả Nam Đông Dương. Khi phát hiện hướng tiến công chiến lược của ta vào Tây Bắc, Lai Châu và Thượng Lào, Bộ Chỉ huy quân viễn chinh Pháp đã cho quân nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ. Tuy là kế hoạch nằm ngoài dự kiến ban đầu của Kế hoạch Nava, nhưng các tướng lĩnh Pháp và Mỹ đã liên tiếp cho tăng cường lực lượng, xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, như “một pháo đài không thể công phá”, là nơi thu hút để tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta. Điện Biên Phủ đã trở thành quyết chiến điểm của Kế hoạch Nava.

Trước tình hình đó, ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị họp nhận định, đánh giá tình hình, chỉ rõ những thuận lợi, khó khăn, quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ và thông qua phương án tác chiến, thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch, Đảng ủy mặt trận do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch. Chấp hành quyết định của Bộ Chính trị, mọi công việc chuẩn bị cho chiến dịch được tiến hành khẩn trương. Cả nước đã tập trung sức mạnh cho mặt trận Điện Biên Phủ với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Các đơn vị bộ đội chủ lực nhanh chóng tập kết, ngày đêm bạt rừng, xẻ núi mở đường, kéo pháo, xây dựng trận địa, sẵn sàng tiến công địch. Ngày 25/1/1954, các đơn vị bộ đội ta ở vị trí tập kết sẵn sàng nổ súng theo phương châm tác chiến “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Nhưng nhận thấy địch đã tăng cường lực lượng phòng ngự vững chắc, Bộ Chỉ huy và Đảng ủy chiến dịch đã đưa ra quyết định đúng đắn: giữ vững quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thay đổi phương châm tác chiến sang “đánh chắc, tiến chắc”.

17 giờ ngày 13/3/1954, quân ta tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiến dịch lịch sử bắt đầu. Quân ta đã mưu trí, dũng cảm tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam, Độc Lập, bức hàng Bản Kéo; tiến công, kiểm soát sân bay Mường Thanh, đồi C1... Tại đồi A1 trận chiến đấu giữa ta và địch diễn ra quyết liệt, quân ta ào ạt xông lên tiêu diệt các lô cốt và bí mật đào một đường hầm đặt khối thuốc nổ nặng gần 1.000 kg và cho điểm hỏa vào đêm ngày 6/5 phá các hầm ngầm kiên cố của địch. Tên quan Tư chỉ huy đồi A1 và khoảng 400 tên địch còn sống sót đã phải đầu hàng. 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, ta chiếm sở chỉ huy của địch, tướng Đờ Cát cùng toàn bộ Bộ Tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải ra hàng. Lá cờ “quyết chiến, quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch.

Sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 ô tô và toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang quân dụng của địch.

Nhìn lại chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược; thế hệ hôm nay càng cảm phục trí tuệ và bản lĩnh của dân tộc Việt Nam. Trí tuệ và bản lĩnh đó được kết tinh qua truyền thống ngàn năm dựng nước và giữ nước, được khơi dậy dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của chủ nghĩa yêu nước; của độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; của đường lối kháng chiến đúng đắn, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Đó còn là chiến thắng khẳng định sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam, với ý chí “quyết chiến, quyết thắng” và lời thề vẻ vang: “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Chiến thắng Điện Biên Phủ không còn là của riêng dân tộc Việt Nam, sức lan tỏa của nó đã vượt qua biên giới quốc gia, trở thành động lực cho phong trào đấu tranh giành độc lập, tự do, hòa bình và hạnh phúc của các dân tộc trên thế giới, làm xoay chuyển lịch sử nhân loại trong nửa cuối thế kỷ XX.

68 năm đã trôi qua, nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” mãi mãi là một mốc son chói lọi trong lịch sử và niềm tự hào của dân tộc Việt Nam; là sức mạnh tinh thần, nguồn cổ vũ, động viên to lớn toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta luôn nhận thấy “tư tưởng cốt lõi nhất” của tinh thần Điện Biên Phủ là ý chí “quyết chiến, quyết thắng”, là khát vọng vươn tới độc lập, tự do, hạnh phúc; khát vọng vươn lên, khát vọng vì một đất nước Việt Nam hùng cường.

MAI THANH VĂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Điện Biên Phủ trên không - Điểm hẹn lịch sử và tinh thần bất diệt
Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” là chiến thắng của con người Việt Nam với khát vọng hoà bình,“Không có gì quý hơn độc lập, tự do".
Nổi bật
Về miền Tây thăm “Vườn ông Sáu Dân”
Vừa qua, trong chuyến công tác tại một số tỉnh miền Tây, ghé Vĩnh Long, chúng tôi được giới thiệu tham quan khu lưu niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt hay còn gọi là “Vườn ông Sáu Dân”. Với kiến trúc không gian mở, thiết kế hiện đại, ứng dụng công nghệ số, khu lưu niệm đã tạo nên nét riêng, dung hòa giữa sự trang trọng, thành kính, sâu lắng và sự thân thiện, gần gũi để từ đó truyền tải thông điệp về quê hương, gia đình, cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp to lớn, quan trọng của cố Thủ tướng Võ Văn
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỷ niệm 68 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2022): Mãi là niềm tự hào của dân tộc