Theo dõi trên

Kỷ niệm Ngày di sản văn hóa Việt Nam (23/11)

22/11/2019, 09:00

Bảo tồn và phát huy văn hóa Chăm

BT- Văn hóa Chăm là nền văn hóa đặc sắc, nổi tiếng trong khu vực Đông Nam Á. Dấu ấn ấy thể hiện rõ nét qua kiến trúc, điêu khắc, phong tục tập quán, lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo, tiếng nói, chữ viết, âm nhạc… Cho đến nay, dù trải qua bao đổi thay thì đồng bào Chăm Bình Thuận vẫn giữ được nét đẹp truyền thống ông cha để lại.

                
Du khách nước ngoài tham quan các vật dụng    của đồng bào Chăm. Ảnh: Đình Hòa.

 Di sản văn hóa Chăm

Trên địa bàn tỉnh hiện có 34 dân tộc thiểu số trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam sinh sống. Trong đó đông nhất là dân tộc Chăm, gần 40.000 người, tập trung ở các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh, Hàm Tân. Cư dân sống quần tụ theo các Palei (làng) gắn với cộng đồng tín ngưỡng, tôn giáo Bàlamôn và Bàni. Người Chăm theo tín ngưỡng đa thần, tục thờ cúng tổ tiên vào dịp lễ hội Katê và Chabun, tục lập Kut và Chiết Atau, tục tảo mộ dịp Ramưwan…

Trong nhóm những di sản văn hóa của người Chăm, nổi bật là tháp Pô Sah Inư. Nhóm tháp sừng sững trên đồi Bà Nài, thuộc phường Phú Hài. Theo các nhà nghiên cứu, nhóm tháp được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ VIII đầu thế kỷ IX, thuộc phong cách kiến trúc Hòa Lai – một trong những phong cách kiến trúc cổ của Chămpa. Đến thế kỷ XV, người Chăm xây dựng thêm một số đền thờ với lối kiến trúc đơn giản để thờ công chúa Pô Sah Inư, con vua Para Chanh. Tương truyền bà là người tài đức, đã dạy cho nhân dân dệt vải, trồng trọt, đánh cá và chăn nuôi. Đây là một trong những cụm tháp Chăm còn tương đối nguyên vẹn ở Bình Thuận. Hiện nay nhóm tháp chỉ còn 3 công trình tồn tại.

Tại đây hàng năm vào tháng 7 Chăm lịch (khoảng cuối tháng 9, tháng 10 dương lịch) đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn ở các địa phương trong tỉnh lại tề tựu về vui hội Katê và cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, làng xóm yên vui. Theo ông Nguyễn Chí Phú – Phó Giám đốc Bảo tàng Bình Thuận: Văn hóa vật thể Chăm ở Bình Thuận có trên 50 di tích, trong đó có 4 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 3 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Tiêu biểu trong số đó là di tích tháp Pô Sha Inư. Nơi đây được nhiều du khách, học sinh, các nhóm nghiên cứu văn hóa trong và ngoài nước ghé thăm mỗi khi về Bình Thuận. Riêng năm 2019 đón hơn 180.000 lượt người. Bởi nhóm tháp có địa thế trước là biển xanh, phía sau hướng về thành phố Phan Thiết và còn lưu giữ các di tích thờ cúng của người Chăm.

Nhóm di tích phi vật thể, người Chăm Bình Thuận vẫn lưu giữ nghề gốm và dệt thổ cẩm ở thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp và xã Phan Thanh, Phan Hòa (Bắc Bình). Trong đó làng nghề gốm truyền thống đã được đưa vào danh mục di sản phi vật thể quốc gia năm 2012. Hiện hồ sơ về nghề gốm của người Chăm do 2 tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận phối hợp thực hiện để công nhận là di sản văn hóa thế giới đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua. Dự kiến năm 2020 sẽ trình UNESCO công nhận.

 Bảo tồn giá trị truyền thống

Với xu thế giao lưu, tiếp biến văn hóa đang diễn ra đa chiều giữa các vùng miền như hiện nay, trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số trong tỉnh đang đứng trước nguy cơ mai một, biến đổi và mất dần những giá trị văn hóa mang tính đặc trưng của từng cộng đồng dân tộc. Riêng dân tộc Chăm, trang phục truyền thống vẫn được các vị tu sĩ, chức sắc, trí thức và một số người lớn tuổi sử dụng hàng ngày. Trong các dịp tết, lễ hội phụ nữ Chăm đều mặc trang phục truyền thống tham dự.

Bên cạnh đó, những nghi lễ của người Chăm vẫn được tái hiện trong các dịp lễ, sinh hoạt cộng đồng. Là hình ảnh cô gái Chăm trong chiếc áo dài truyền thống say sưa hòa nhịp trong tiếng đàn Kanhi, tiếng trống Baranưng, tiếng trống Ghi-năng và tiếng kèn Saranai. Là hội thi dệt vải, làm gốm, đội nước, múa quạt, viết chữ Chăm, làm bánh... Đặc biệt tại không gian của Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm (huyện Bắc Bình), có hơn 400 hiện vật gốc gồm các vật dụng trong sinh hoạt và nghi lễ của người Chăm, có niên đại từ thế kỷ XVIII – XIX phục vụ khách tham quan.

Ông Nguyễn Chí Phú cho biết thêm: Bảo tàng Bình Thuận đã tiến hành xong việc khảo sát, sưu tầm, nghiên cứu các điệu hát trong nghi thức của ông Kadhar nhằm đẩy mạnh công tác bảo tồn văn hóa phi vật thể của người Chăm và đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu của khách tham quan. Mới đây 2 địa phương đã tổ chức triển lãm chuyên đề “Di sản văn hóa tỉnh Gia Lai và di sản văn hóa Chăm Bình Thuận”. Việc hợp tác, giới thiệu những di sản văn hóa của 2 tỉnh trong dịp này rất có ý nghĩa. Không chỉ giúp giáo dục thế hệ trẻ niềm tự hào dân tộc, ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, mà còn là cơ hội để quảng bá những giá trị lịch sử, vùng đất, con người của 2 địa phương đến với du khách một cách chân thực, gần gũi nhất.

    
    Toàn tỉnh   hiện có 4 di tích Chăm được xếp hạng cấp quốc gia gồm tháp Pô Sah Inư,   tháp PoDam, đền thờ vua PoNít, đền thờ vua PoKlongMơhNai và 3 di tích   được xếp hạng cấp tỉnh là đền thờ PôTầm, PoNrop, PoKlaongKasat.

Thùy Linh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỷ niệm Ngày di sản văn hóa Việt Nam (23/11)