Theo dõi trên

Ký ức vùng quê

10/11/2023, 05:30

Ký ức về Hàm Mỹ (Hàm Thuận Nam) nơi tôi sinh ra và lớn lên vào những ngày mưa của cuối mùa thu làm lòng người bâng khuâng nhớ nhiều kỷ niệm. Lục tìm quá khứ trong chiều ký ức ở những năm tám mươi của thế kỷ trước. Hàm Mỹ hiện ra với tôi sao mà thân thuộc quá.

Tôi nhắm mắt lại và nhớ về những tháng ngày mình còn tuổi hoa niên nhiều mơ mộng. Xa quê hương mới đó mà đã hơn 30 năm rồi, mỗi chuyến thăm quê là mỗi lần nhiều kỷ niệm thương nhớ ùa về làm tâm hồn tôi lâng lâng ẩn hiện thực hư lẫn lộn. Tôi miên man hoài niệm cho riêng mình vô vàn nỗi niềm thương thương, nhớ nhớ, quên quên; vui buồn lẫn lộn theo từng khúc thời gian.

bat-cua.jpg
Bắt cua đồng. Ảnh minh họa.

Những buổi chiều mưa của mùa thu năm cũ, tôi nhớ mình thường đi trên bờ ruộng, dùng đôi chân trần tát nước ở con mương nhỏ làm cho phần bùn dính ở bàn chân trôi theo dòng nước mát. Hai bên bờ ruộng lúc này lúa vụ mùa đang ngậm sữa sệ xuống che chắn cả lối đi. Gọi là con đường, nhưng thực chất là những bờ ruộng đi nhiều trở thành lối mòn. Đấy là con đường dành cho người nông dân đi thăm ruộng, bắt những con cua trong hang bò ra ngoài cắn phá lúa; đó là con đường mà người nông dân đi thăm đồng nếu thấy lỗ mậu nào chảy nước từ đám ruộng này sang đám ruộng khác thì kịp thời ngăn, đắp lại giữ nước cho lúa khi trổ làm đòng. Đến bây giờ những con đường như thế không còn nữa, ruộng đất người dân đã đúc trụ bê tông trồng thanh long, những lối đi như thế cũng được bê tông hóa để tiện cho việc thu hoạch thanh long trên những chiếc xe rùa đẩy tay, có bánh hơi tiện lợi hơn. Nhưng mỗi lần về thăm quê, tôi lại nhớ những con đường nhiều kỷ niệm hai bên có những gié lúa thơm nồng. Có những con cua xấu số bò ra khỏi miệng hang được cho vào thùng đem về bằm nhuyễn cho bầy vịt cỏ ở nhà chờ thức ăn mà đẻ trứng vào mỗi sáng sớm. Nhắc đến bầy vịt trong chuồng tự nhiên nghe lòng rạo rực, nao nao nhớ một điều gì đó rất xa xưa, nhưng lại rất gần. Lúc bấy giờ, tôi nhớ khoảng nửa đầu tháng 9 âm lịch, má đi chợ mua về chừng 15 đến 20 con vịt con, dùng một cái mành tre cao khoảng một mét, dài chừng 10 mét rồi cuộn tròn lại sau hè, nhốt những con vịt con mới mua về vào đó. Má nói, cho vịt ăn thức ăn thừa, vịt sẽ mau lớn. Nhưng đứa nào siêng năng bắt cua, bắt ốc cho ăn thêm thì vịt sẽ mau lớn, đẻ trứng cho mà ăn, rồi tết ăn thịt. Tôi và em trai cứ tưởng tượng mỗi sáng có vài quả trứng đem luộc, dằm nước mắm chấm rau muống luộc thì hết cơm. Vì thế cứ chiều chiều sau khi đi học hoặc đi chăn bò về là anh em tôi men theo bờ mương, bờ ruộng lúa tóm những chú cua ra khỏi hang kiếm ăn, con nào lớn thì nướng lên ăn cho vui, còn lại thì tách nhỏ, bằm cho vịt ăn. Lâu lâu có con vịt què, chậm lớn má làm thịt luộc lên, nấu cháo đậu xanh cho cả nhà cùng ăn; mùi thơm của bữa ăn chiều hôm ấy làm lòng tôi xao xuyến đến tận bây giờ.

Với tôi, còn có ký ức khó quên khác là khi chiều lưng nắng, chúng tôi vác một bó cần câu, lấy trùn làm mồi cắm ở mé bờ sông nơi nước đọng cạnh những gốc tre khô; tuy có bị muỗi đốt một tý, nhưng những ngày cuối mùa thu khi mưa dứt, nước rút xuống là có những chú cá lóc vàng ươm mắc câu. Những chú cá câu được đem về, nhiều thì chia cho bà con xung quanh, còn lại nướng trui trộn với é quế rai rai vài ly rượu gạo hoặc kho với lá gừng dùng làm thức ăn cho cả gia đình của một thời nghèo khổ thì không gì bằng. Ngày ấy xã Hàm Mỹ nơi tôi sinh sống không có nhiều hàng quán, thời bao cấp thỉnh thoảng được thưởng thức những món ăn từ đồng ruộng, vườn nhà như thế đã là cả một trời mơ. Tôi đã đi qua tuổi thơ ở một vùng quê bằng những nụ cười hồn nhiên rạng rỡ, bằng sức lao động phù hợp với lứa tuổi của mình và bằng cả niềm tin sẽ có một tương lai tươi sáng nếu cố gắng hết mình trong học tập, biết vượt qua hoàn cảnh để vươn lên.

Hôm nay, thời gian sống xa quê hương hơn nửa tuổi đời hiện tại, nhưng mỗi lần trở về thăm quê, tôi luôn thấy gần gũi vô cùng; tranh thủ hít vội hơi gió miền quê trong lành mát mẻ giữa bầu trời lộng gió, có tý se lạnh khi vừa tạnh cơn mưa. Trong ký ức của mình, xã Hàm Mỹ còn bao nhiêu điều để nhớ, để thương, để tự hào về một vùng quê mà ở đó người dân “anh hùng trong kháng chiến giải phóng dân tộc”, khi hòa bình lập lại thì cần cù trong sản xuất xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Viết về nỗi nhớ quê hương, Châu Đoàn có những câu thơ làm lòng người xa quê luôn hồi tưởng: Quê hương ơi dù xa tôi vẫn nhớ/ Nhớ những ngày vất vả tuổi ngây thơ/ Mẹ còng lưng quang gánh lúc sương mờ/ Cho kịp buổi hừng đông nơi bến chợ.

ĐỖ VĂN CƯỜNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Trao tặng 40 thẻ BHYT cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại xã Hàm Minh
BTO-Hội Đông y huyện Hàm Thuận Nam cùng với UBND xã Hàm Minh vừa trao tặng thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ký ức vùng quê