Theo dõi trên

La Gi và nỗ lực làm sạch môi trường ven biển

30/09/2022, 07:07

Hình ảnh những người đàn ông ngồi trên chiếc ca-nô cũ lầm lụi, nhẫn nại vớt từng chiếc bao ni-lon, từng mảnh rác nhựa trên cửa biển sông Dinh quê tôi, nhìn cảm động, thương mến lắm.

Tôi chợt nhớ lại con đường dọc theo bãi biển thời đi học cấp 3 của mình, có lần cuối tuần về tối, tôi đã bàng hoàng, thẫn thờ khá lâu trước vùng biển dạ quang xanh ảo mộng như cõi thần tiên. Chỉ thoáng ấy thôi mà nó đã thành hình ảnh đậm sâu trong ký ức của mình. (Sau này tôi mới biết do hiện tượng thủy triều đỏ ban ngày nên đêm biển lạ lùng như thế). Biển La Gi không chỉ là ký ức sâu đậm quê nhà, nó còn là điểm đến cho những khao khát xanh, cho những nỗ lực của những người dân một đời “ăn sóng nói gió” quê tôi.

rac-1.jpg

Tôi tìm gặp ông Phạm Trọng Nhân, Chủ tịch UBND thị xã La Gi và chân tình kể về những câu chuyện môi trường tích cực mà tôi tận mắt thấy được trong chuyến về quê này. Ông Nhân cho biết: Cũng không dễ dàng gì, vì La Gi là thị xã ven biển lâu đời, cảng biển, chợ cá, bến sông, bãi biển tạo nên những khu dân cư nối dài. (Trước 1975, đây là khu phố chính của tỉnh Bình Tuy). Giữ xanh sạch môi trường cảng biển phố thị ven biển sầm uất, mua bán tấp nập, dân cư đông đúc quả là một bài toán nan giải. Trước đây, tưởng chừng bất lực với nạn ô nhiễm, không chỉ nước thải, không chỉ mùi trong không khí mà đau đầu nhất là ô nhiễm trắng, ô nhiễm chất thải rắn… Tôi hỏi, chính quyền và người dân ở đây đã giải được bài toán khó này bằng giải pháp gì? Ông Chủ tịch thị xã cười tươi, tự hào: Giải pháp toàn diện, linh động để phù hợp với đặc thù của địa phương. Tuyệt đối không được “đánh trống bỏ dùi”, tất cả các phong trào giữ sạch môi trường khi đã phát động là phải bám theo, kiểm tra, xử lý, duy trì cho đến khi hình thành thói quen của người dân…

Quả là như vậy thật! Tôi đã từng đứng một góc chợ cá biển La Gi rất lâu, âm thầm quan sát thói quen xả rác tùy tiện của người dân. Cách đây khoảng 6 năm, khi tôi tham gia thực hiện bộ phim tài liệu nhiều tập "Ký sự biển đảo", một nhân vật người Pháp đi cùng đã lắc đầu ngao ngán khi thấy người dân bạ đâu xả rác đó, ông buông lời buồn: Chỉ còn hy vọng vào thế hệ sau! Vậy mà trong thời gian ngắn, một thói quen xấu đã được thay đổi rõ rệt, khắp nơi rác đã được bỏ vào đúng thùng rác phân loại. Cảng biển, chợ cá biển bây giờ đã đỡ mùi hôi tanh đặc khoắm, không còn rác vương vãi khắp nơi.

Ông Lê Thanh Chiến, một ngư dân phường Phước Lộc nhiệt tình cho biết: "Ý thức người dân bọn tôi có thay đổi nhưng cũng phải kể đến công sức của Công ty TNHH BOT, họ thường xuyên nạo vét, thông cống, gom rác rến và cả nhà máy xử lý nước thải cảng La Gi hoạt động thường xuyên. Ban quản lý công trình công cộng kịp thời gom rác hàng ngày nên không có chuyện tồn đọng gây ô nhiễm môi trường”.

rac.jpg

Bà Đặng Thị Hồng Lâm, Chánh Văn phòng UBND thị xã cho biết: “Để phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi với phường Phước Lộc, các ngành chức năng cùng tham gia quản lý, lãnh đạo duyệt dự án BOT đầu tư hạ tầng dịch vụ cảng cá La Gi, đây là một giải pháp hữu hiệu và phù hợp. Công ty TNHH BOT thường xuyên theo dõi, nhắc nhở các cơ sở kinh doanh, cá nhân thuê mặt bằng trong công trình hạ tầng dịch vụ cảng cá La Gi chấp hành nội quy cảng cá, các điều khoản thỏa thuận đã ký kết hợp đồng với công ty, trong đó có trách nhiệm đảm bảo vệ sinh môi trường. Những trường hợp vi phạm nội dung hợp đồng thì công ty có trách nhiệm xử lý theo hợp đồng, xem xét chấm dứt hợp đồng nếu vi phạm còn tái diễn. Ràng buộc về pháp luật và nghĩa vụ cũng là một trong nhiều giải pháp để giữ xanh sạch khu vực cảng, chợ, cửa biển và bãi biển.

Khi đi thực tế để viết bài này, tận mắt tôi đã nhìn thấy Ban quản lý cảng quét dọn, xịt rửa bến bãi hàng ngày, thu gom rác thải, tập trung về khu vực tập kết, có xe của Ban quản lý công trình công cộng đến vận chuyển về Nhà máy xử lý rác Đa Lộc để xử lý.

Thị xã La Gi có 28 km chiều dài bờ biển với 2 cửa biển lớn là cửa sông Dinh và cửa sông Phan, là địa bàn kéo dài dọc biển gồm 5 phường, 4 xã. Ngoài cảng biển, chợ cá biển, khu phố thị ven biển, La Gi còn có các điểm hành hương nổi tiếng là dinh Thầy Thím ở xã Tân Hải và Hòn Bà ngoài vùng biển Tân Bình. Để mang lại hiệu quả đồng bộ tất nhiên là “giải pháp toàn diện”, nhưng sự tự nguyện, tự ý thức được chú trọng, được đưa lên hàng đầu. Ngoài việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về bảo vệ môi trường, ngoài những cuộc phát động ra quân làm sạch bãi biển, khu phố biển nhân dịp các ngày lễ lớn, Ngày Môi trường, UBND thị xã còn trực tiếp đối thoại với chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, lắng nghe tâm tư nguyện vọng và cùng tìm giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường ven biển. Tại các bãi biển có khách du lịch đã có nhiều nhóm tự nguyện gom nhặt rác vào các ngày cuối tuần. Chính quyền địa phương cũng đã kịp thời khen thưởng, động viên nhiều cá nhân, tập thể tích cực tham gia bảo vệ môi trường biển. Ngoài ra, thị xã La Gi có đội thuyền đánh cá nhiều nhất nhì trong khu vực, riêng các ghe lớn chiều dài 15 mét trở lên đã có hơn 650 chiếc. Chính quyền kết hợp với Mặt trận và các đoàn thể đã vận động các chủ ghe, bạn ghe xây dựng thành công các mô hình "Tàu cá không xả rác xuống biển".

Đối với thị xã La Gi, vì là phố thị ven biển đông đúc nên giải pháp kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và xử phạt cũng là một giải pháp hữu hiệu. Kết quả thực hiện từ đầu năm 2017 đến nay, UBND thị xã đã tổ chức trên 85 lượt kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ (kể cả phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường). Qua kiểm tra, ban hành 10 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 126.500.000 đồng. Chẳng hạn trường hợp Nhà máy chế biến bột cá Thiên Thuận Tường gây ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống người dân. UBND thị xã đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp cùng với các phòng ban liên quan và UBND xã Tân Bình kiểm tra ráo riết, đến nay, tình trạng ô nhiễm không khí đã được xử lý cơ bản. Từ năm 2018 trở về trước, địa bàn xã Tân Bình, xã Tân Phước có xảy ra tình trạng các cơ sở chế biến cá cơm thải nước thải chưa qua xử lý và rác thải nhựa trực tiếp ra môi trường gần biển. Đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính và buộc khắc phục hậu quả. Bên cạnh đó, UBND thị xã chỉ đạo UBND xã Tân Phước tổ chức cưỡng chế tháo dỡ 2 cơ sở chế biến cá cơm gây ô nhiễm môi trường…

Một thực tế nữa là cấp ủy, chính quyền cơ sở và các ban, ngành, đoàn thể địa phương ngày càng quan tâm hơn đối với công tác bảo vệ môi trường, nhất là môi trường ven biển, đã đưa tiêu chí bảo vệ môi trường vào bình xét thi đua, khen thưởng thôn, khu phố văn hóa, cơ quan văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh...

Chia tay, ông Phạm Trọng Nhân nắm tay tôi thật chặt và cho biết: Với đặc thù của La Gi, giữ phố sạch, cảng sạch, chợ sạch chính là giữ cửa biển sạch, bãi biển sạch, biển sạch. Tôi thiệt sự mừng cho quê nhà đang trên con đường phát triển đồng bộ, trong đó có ý thức giữ gìn môi trường sống ven biển và vùng biển luôn xanh sạch đẹp. Hiện tượng tảo đỏ bùng nổ thành thủy triều đỏ ngày nay không còn, màu xanh dạ quang ảo mộng ngày xưa chỉ còn là ký ức, một vùng biển xanh ngọc mới, không còn bị ô nhiễm đang mở ra.

GHI CHÉP: NGUYỄN HIỆP


(0) Bình luận
Bài liên quan
Đội Cứu hộ tình nguyện
Mỗi người một công việc, từng hoàn cảnh khác nhau, có anh là thợ chụp hình, người lái xe ôm hay làm thợ hồ, có anh lại gắn bó với nghề đi biển hơn mười mấy năm nay...
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
La Gi và nỗ lực làm sạch môi trường ven biển