Chiều nay tôi lại nhận được điện thoại của em với giọng bất bình thường. Đó là những thanh âm của sự bực tức, kèm nỗi thất vọng và rối bời của một người mẹ có con bước vào năm đầu tiên bậc tiểu học. Trong suốt gần 1 giờ trò chuyện, thỉnh thoảng lại có tiếng thở dài vì không biết dạy con như thế nào cho đúng. Bởi theo lời em, con học luôn không tập trung, viết chữ theo ngẫu hứng. Có ngày vừa đến cổng trường, một vài đứa trẻ đã vây quanh kể lể vì bị N.A giật áo, vẽ vào sách…
“Dạy con như thế nào cho đúng”, có lẽ câu hỏi đó sẽ trở đi trở lại trong mỗi giai đoạn lớn lên của đứa trẻ khiến người lớn nhức nhối, luôn tự mâu thuẫn với chính mình. Nhất là trong xã hội đang vận động một cách đa dạng, phức tạp ngày nay.
Con cái là máu thịt của cha mẹ, vì thế ai cũng mong muốn chúng lớn lên giỏi giang, thông minh và tốt lên từng ngày. Tuy nhiên mỗi đứa trẻ là một cá thể có nhịp độ phát triển riêng, có thế mạnh và điểm yếu riêng. Nhưng khi đã nóng giận, liệu rèn con vào nếp bằng roi vọt và các hình thức kỷ luật thật nghiêm khắc như lời ông bà xưa dạy “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, mà em áp dụng đang phản tác dụng chăng? Chưa kể một đứa trẻ mới 6 tuổi vốn thích chơi hơn học, đâu dễ gì ép con tuân theo một thời gian biểu cố định nào.
Trong cuốn sách “Dạy con trong hoang mang”, tác giả Lê Nguyên Phương - người đầu tiên nhận giải Chuyên gia thực hành tâm lý học đường quốc tế của tổ chức ISPA cũng cho rằng: “Cảm xúc của con người cực kỳ quan trọng, thế nhưng trong cuộc sống, cha mẹ thường ít khi hoặc không quen khen ngợi con, thay vào đó chỉ la mắng! Hãy để cho đứa trẻ yêu mà làm, hiểu mà làm chứ không phải sợ mà làm!”. Trong cuộc sống hàng ngày, nếu không khéo, cha mẹ cũng có thể thường “bạo hành” con cái bằng ngôn ngữ. Nếu không biết điều tiết những cảm xúc của chính mình, dễ bị cuốn đi bởi những cơn đau khổ, hoảng sợ và vì sợ hãi nên đã gieo rắc sự sợ hãi cho người khác, mà cụ thể nhất là con của mình. Đây là điều rất nguy hiểm, bởi tất cả những sự thay đổi về não bộ và cảm xúc của trẻ sẽ đến lúc ảnh hưởng tới tính cách và hành vi khi trưởng thành.
Mỗi đứa trẻ mang một cá tính, đặc điểm riêng, nên chẳng thể có công thức hay đáp án chung trong từng tình huống để nuôi dạy con một cách hoàn hảo. Thành công của đứa trẻ phải đi liền với niềm hạnh phúc mà đứa trẻ cảm nhận được, chứ không phải chỉ là hạnh phúc của cha mẹ. Do đó chúng ta - những người mang trọng trách làm cha mẹ cũng phải tự thay đổi, tự rèn luyện mỗi ngày để lắng nghe, gần gũi và thấu hiểu mình, thấu hiểu con hơn.