Theo dõi trên

Lần đầu tiên cá ngừ trở thành ngành hàng giá trị tỷ USD

21/01/2023, 06:08 - Lượt đọc: 1,002

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, lạm phát tiếp tục "phủ bóng" lên các thị trường trong tháng cuối năm 2022 khiến cá ngừ của Việt Nam sang hầu hết các thị trường chính đều giảm mạnh so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, tính cả năm 2022, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đã cán đích 1 tỷ USD, tăng 34% so với năm 2021. Đây cũng là lần đầu tiên ngành hàng cá ngừ đạt giá trị tỷ USD.

Năm 2022 cũng là năm đầu tiên xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt trên 1 tỷ USD - mục tiêu đã đặt ra từ cách đây 3 năm. Điều này giúp cá ngừ trở thành con cá “tỷ USD” thứ hai của ngành thuỷ sản Việt Nam, sau cá tra. Trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt gần 2,4 tỷ USD - mức cao nhất trong lịch sử.

xuat-khau-ca-ngu.jpg
Các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam đang được xuất khẩu đến 99 thị trường trên thế giới với tốc độ tăng trưởng cao.

Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan, các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam đang được xuất khẩu đến 99 thị trường trên thế giới. Các sản phẩm xuất khẩu chủ lực gồm thịt/cá ngừ phi lê, cá ngừ chế biến, cá ngừ đóng hộp, cá ngừ tươi/đông lạnh/khô.

Hoa Kỳ hiện là khách hàng lớn nhất của cá ngừ Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đạt 487 triệu USD, tăng 44% so với năm 2021. Đứng thứ hai là thị trường Canada với kim ngạch xuất khẩu đạt 52 triệu USD, tăng 69%; xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 41 triệu USD, tăng 61%; xuất khẩu sang Israel đạt 37 triệu USD, tăng 12% và sang Thái Lan đạt 29 triệu USD, tăng 58% so với năm 2021.

Nhận định về triển vọng thị trường trong những tháng đầu năm 2023, VASEP cho rằng hoạt động xuất khẩu cá ngừ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn do lạm phát tăng cao tại một số thị trường khiến thói quen của người tiêu dùng thay đổi, chuyển hướng sang những sản phẩm thay thế có mức giá thấp hơn. Điển hình, tại thị trường Hoa Kỳ, sau khi sụt giảm trong tháng 11/2022, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 12/2022 tiếp tục giảm 38%. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào của hoạt động đánh bắt, chưa gỡ được thẻ vàng IUU… vẫn là những trở ngại cho ngành cá ngừ Việt Nam.

Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang các thị trường có ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang rất khả quan. Ví dụ, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường EU sau khi sụt giảm trong tháng 11 đã tăng tốc trở lại trong tháng 12/2022. Riêng trong tháng 12/2022, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Đức và Tây Ban Nha tăng lần lượt 161% và 171%. Tương tự, xuất khẩu cá ngừ sang các quốc gia trong Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) như Canada, Nhật Bản và Mexico vẫn tăng trưởng tốt.

VASEP kỳ vọng các FTA sẽ là động lực thúc đẩy xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam và dự báo nhu cầu của thị trường có thể sẽ dần phục hồi trong nửa cuối năm 2023.

Việt Nam hiện có trữ lượng và tiềm năng khai thác lớn đối với cá ngừ - mặt hàng vốn được tiêu thụ rộng rãi tại nhiều quốc gia. Hiện có 9 loài cá ngừ phân bố ở các vùng biển Việt Nam, bao gồm nhóm cá ngừ đại dương và cá ngừ nhỏ ven bờ; trữ lượng ước tính khoảng 600.000 tấn, trong đó, cá ngừ sọc dưa chiếm hơn 50%; Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa là 3 tỉnh khai thác lớn nhất.

H LAN (TỔNG HỢP)


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc
Với việc Trung Quốc chính thức mở cửa và dịch đang được kiểm soát tốt tại Việt Nam, các cơ quan chức năng Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ để triển khai các hoạt động hợp tác phù hợp với tình hình mới, phù hợp với lợi ích thiết thực của cả hai bên.
Nổi bật
Lãnh đạo tỉnh chúc mừng Lễ Phục sinh năm 2024
BTO-Chiều 27/3, đồng chí Nguyễn Hoài Anh – Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã đến thăm, chúc mừng Tòa Giám mục Phan Thiết và Giuse Đỗ Mạnh Hùng – Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam, Giám mục Giáo phận Phan Thiết nhân Lễ Phục sinh năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lần đầu tiên cá ngừ trở thành ngành hàng giá trị tỷ USD