Bình Thuận là vùng đất giàu bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc, mỗi dân tộc đều có một nền văn hóa, nghệ thuật riêng và được thể hiện qua những lễ hội truyền thống với không gian văn hóa đầy ắp tính nhân văn. Lễ hội ở Bình Thuận cũng chính là nét văn hóa đặc trưng, cho thấy các quan niệm, phong tục tập quán của các cộng đồng người sinh sống hòa hiếu tại mảnh đất này. Lễ hội ở Bình Thuận đa phần thể hiện được “niềm tin” tín ngưỡng và “lòng tin” đối với các đấng thần linh. Mỗi một lễ hội thường gắn với những câu chuyện, những sự kiện lịch sử. Bao phủ lên những sự kiện, câu chuyện ấy là không khí, sắc màu của huyền thoại, huyền tích với những ký ức về truyền thống hào hùng của ông cha trong thuở khai mở cơ đồ, dựng xây cuộc sống mới. Đến với lễ hội ở Bình Thuận để hiểu hơn về truyền thống lịch sử, để gia tăng ý thức trách nhiệm cá nhân với cộng đồng, với quê hương; củng cố và khắc sâu thêm tình yêu quê hương, đất nước.
Trải qua hơn 300 năm hình thành và phát triển, Bình Thuận đã trở thành một vùng đất giàu truyền thống văn hóa với các lễ hội khá phong phú, đa dạng, tiêu biểu như: Lễ hội Dinh Thầy Thím, Ka tê, Nghinh Ông, Ramưwan, Cầu ngư, rước đèn Trung thu.... Ngoài ra, mỗi khi tết đến xuân về cũng là lúc một số lễ hội diễn ra khá sôi nổi như Lễ hội Đua thuyền trên sông Cà Ty, Hội thi leo núi Tà Cú… đây cũng là dịp để thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Bình Thuận.
Trải qua những biến động, thăng trầm, lễ hội truyền thống ở Bình Thuận vẫn giữ được những nét đẹp và giá trị nhân văn, nhân bản; là một sinh hoạt văn hóa không thể thiếu đối với mỗi người dân địa phương. Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, nhiều lễ hội truyền thống có sự mở rộng về quy mô, phạm vi, tính chất. Sức hấp dẫn của lễ hội không chỉ đối với người dân địa phương mà lan tỏa đến cộng đồng, du khách ở trong và ngoài nước.
Với sự quan tâm, chỉ đạo, định hướng của tỉnh, sự tham gia tích cực, chủ động, sáng tạo của người dân địa phương - chủ thể của lễ hội đã làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị của lễ hội, đưa nhiều lễ hội đặc sắc của Bình Thuận trở thành những di sản văn hóa phi vật thể, nhằm phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc và xây dựng nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Mỗi một người dân, du khách khi tham gia lễ hội cần có những hiểu biết nhất định về cội nguồn, truyền thống lịch sử của lễ hội; trân quý những giá trị và ý nghĩa nhân văn, sâu sắc của lễ hội; có hành vi ứng xử văn hóa, văn minh khi tham gia những sinh hoạt văn hóa và những tương tác, chia sẻ về lễ hội trên không gian mạng. Đây là yếu tố quan trọng, mang tính quyết định để lan tỏa giá trị tốt đẹp của lễ hội trong đời sống cộng đồng.
Cùng với sự phát triển của kinh tế, đời sống vật chất của người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao, con người sẽ có nhiều cơ hội, điều kiện, thời gian để tham gia vào các hoạt động sinh hoạt văn hóa. Tổ chức và quản lý tốt lễ hội là thiết thực bảo vệ và phát huy giá trị của các di sản văn hóa cổ truyền, góp phần vun đắp và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam và quê hương Bình Thuận. Thông qua tổ chức lễ hội, tạo ra sự giao lưu về văn hóa, góp phần quảng bá về văn hóa truyền thống dân tộc, giới thiệu về hình ảnh, con người Bình Thuận, kêu gọi sự đầu tư, tạo điều kiện phát triển kinh tế trong văn hóa.
Lễ hội là sinh hoạt văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, chứa đựng những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, có tác dụng giáo dục, bồi đắp tư tưởng, tình cảm phong phú, lành mạnh cho con người. Bảo tồn và phát huy tốt những giá trị nhân văn của lễ hội ở nước ta, ở tỉnh Bình Thuận không chỉ góp phần xây dựng, hình thành nhân cách, lối sống đẹp cho thế hệ trẻ mà những giá trị đó còn kiến tạo nền tảng tinh thần, là động lực quan trọng, thúc đẩy quá trình phát triển nhanh và bền vững đất nước, địa phương trong bối cảnh hiện nay.