Theo dõi trên

Lắng nghe, đối thoại - “chìa khóa” tạo đồng thuận trong dân

08/05/2024, 05:33

Tư tưởng trọng dân, gần dân, lắng nghe dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bài học quý báu để các cấp ủy Đảng, chính quyền và mỗi cán bộ, đảng viên soi rọi, làm theo.

Việc lắng nghe dân, đối thoại với dân cần kỹ năng như thế nào để vừa thể hiện sự chân thành, cầu thị của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan nhà nước nhưng cũng vừa định hướng dư luận theo hướng tích cực? Trong đó lắng nghe, đối thoại có ý nghĩa quan trọng để xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

doi-thoai-voi-nhan-dan.jpg

Tại Bình Thuận, thời gian qua, nhằm phát huy sức mạnh các tầng lớp nhân dân trong thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương, các cấp ủy Đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh càng chú trọng việc nắm tình hình nhân dân. Công tác dân vận chính quyền từ tỉnh đến xã được thực hiện với hình thức, phương pháp tiếp cận phong phú, đa dạng. Điểm nhấn phải kể đến là hoạt động gặp gỡ, đối thoại của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp với nhân dân, qua đó kịp thời lắng nghe, nắm bắt, tháo gỡ, giải quyết thấu đáo vấn đề người dân quan tâm - đó chính là “chìa khóa” tạo niềm tin và đồng thuận xã hội.

Hoạt động gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với nhân dân được triển khai ở cả 3 cấp trong tỉnh, thể hiện sự đổi mới trong phương thức lãnh đạo theo hướng gần dân, sát dân. Ngoài tổ chức định kỳ, đã có hàng trăm cuộc đối thoại đột xuất do cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến xã thực hiện nhằm lắng nghe, tìm giải pháp khắc phục những khó khăn, bất cập trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Đáp lại sự quan tâm từ cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân ngày càng đồng thuận hơn với các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chỉ thị 30 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở nêu các nội dung chính xoay quanh 4 khâu liên quan đến dân chủ. Đó là: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đến Đại hội XIII của Đảng, Đảng ta bổ sung 2 khâu trong phương châm, thành: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Để lắng nghe nhân dân, nói thì dễ nhưng để làm hiệu quả thì không hề dễ dàng. Trong đó, dân chủ cơ sở được thực hiện thực chất, ý kiến của người dân được cấp thẩm quyền lắng nghe, có biện pháp giải quyết hợp tình, hợp lý, đúng với quy định. Vai trò của người dân trong giám sát, phản biện được phát huy, trách nhiệm công dân được ghi nhận thì chỉ số tín nhiệm, hài lòng của dân với cấp ủy Đảng, chính quyền, đối với cán bộ, đảng viên mới được nâng cao.

Trên tinh thần “lắng nghe dân nói, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”, từ thực tế tỉnh nhà trong thời gian qua cho thấy qua các buổi tiếp xúc, đối thoại, có những vụ việc kéo dài nhiều năm, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đã được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền chỉ đạo giải quyết dứt điểm, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân… Thông qua các cuộc tiếp xúc, đối thoại, các đề xuất, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của nhân dân trong tỉnh được các cấp chính quyền tiếp thu và xử lý ngay từ cơ sở, hạn chế được bức xúc, khiếu kiện đông người, vượt cấp phát sinh.

Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các cấp phải thường xuyên quan tâm đến cải cách thủ tục hành chính; chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, nâng cao đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Chủ động tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, chú trọng tiếp công dân, giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân. Kịp thời nắm tình hình, tư tưởng nhân dân để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo giải quyết thấu đáo các vấn đề đặt ra. Từ hoạt động này, tinh thần trách nhiệm trước công việc và tính trung thực, liêm chính, tinh thần phục vụ nhân dân, doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ, đảng viên tỉnh nhà được nâng lên.

Thật vậy, đối thoại phải trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, dân chủ, cầu thị, phải lắng nghe hết ý kiến để tìm hiểu nguyên nhân và chia sẻ khó khăn với nhân dân. Cái gì làm được thì trả lời làm được, cái gì chưa làm được thì trả lời và xin lỗi nhân dân là chưa làm được, cái gì phải xin ý kiến, chủ trương cấp trên, thuộc cơ chế chính sách… phải rõ ràng. Đồng thời cũng bộc bạch suy nghĩ, mong muốn của mình để nhân dân hiểu, chia sẻ với cấp ủy, chính quyền vì mục tiêu phát triển chung của địa phương. Trong quá trình tiếp xúc, đối thoại với nhân dân của cấp ủy, chính quyền khi đã có sự thống nhất chung thì phải giữ chữ tín với nhân dân, theo đuổi đến cùng để giải quyết thấu đáo các vấn đề. Bởi việc đối thoại không chỉ nhằm giải quyết một công việc cụ thể, mà trên hết đó là củng cố niềm tin của người dân với cấp ủy, chính quyền. Bởi việc đối thoại không chỉ nhằm giải quyết một công việc cụ thể mà trên hết đó là củng cố niềm tin, tạo đồng thuận của người dân với cấp ủy Đảng, chính quyền được tỉnh Bình Thuận quan tâm đặt lên hàng đầu.

DỤNG VĂN DUY


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tạo sức lan tỏa trong việc học và làm theo Bác ở Hàm Thuận Bắc
Thời gian qua việc học và làm theo Bác ở Đảng bộ huyện Hàm Thuận Bắc đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng tới các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện. Từ đó, xuất hiện nhiều cách làm hay, hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến trong tu dưỡng, rèn luyện, đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên…
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lắng nghe, đối thoại - “chìa khóa” tạo đồng thuận trong dân