Theo dõi trên

Lặt lá mai đón tết

07/01/2023, 09:25

BTO-Ở miền Nam, cứ mỗi dịp tết đến xuân về là hoa mai vàng lại nở rực rỡ. Hầu như gia đình nào cũng có một hoặc vài gốc mai được trồng trước ngõ. Cứ trung tuần tháng chạp, nhiều gia đình lại tranh thủ lặt lá mai để hoa kịp khoe sắc. Theo đó, chuyện lặt lá mai cũng trở thành kỷ niệm đẹp trong tâm thức của nhiều người.

1.10h sáng của một ngày trung tuần tháng chạp, trời bỗng lất phất cơn mưa bụi. Ông Hoàng Văn Hiền (xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc) vẫn lúi húi bên cội mai già của gia đình để lặt lá. Những tán lá gần được ông tuốt một cách nhẹ nhàng, còn những tán lá ở trên cao thì ông kê ghế, bắc thang để tuốt. Nhiều người ngang qua ngõ hỏi vọng vào: “Nhiều búp không ông?” “Thấy ổn đó, năm nay chắc nở đẹp đây” – tiếng ông trả lời vọng ra khi nghe mọi người hỏi.

hinh-lat-la-mai-4.jpg
Các hộ gia đình đang tập trung lặt lá mai 

Ông Hiền cho biết, năm 1990 ông cùng gia đình từ Thanh Hóa vào Bình Thuận lập nghiệp. Thôn Suối Đá, xã Hồng Sơn được ông chọn làm quê hương thứ 2. Ngày đó, ở nơi này có rất nhiều mai rừng. Mai còn là loại cây truyền thống trong Tết Nguyên đán của người dân miền Nam. Chính vì vậy mà ông đã lên núi bứng vài gốc mai rừng về để trồng xung quanh nhà. “Loại hoa này có 5 cánh, bông dày, nở từng chùm to trông rất mãn nhãn”, ông Hiền nói.

Ông Hiền chỉ vào những cành mai đang được lặt lá, nói thêm: “Mới nhìn tưởng việc lặt lá mai đơn giản và không nặng nhọc, thế nhưng nếu không khéo léo, làm quá đà thì dễ làm hư cành cũng như “phạm” phải nụ hoa chưa kịp bung trổ. Vì thế, khi tuốt lá mai phải cẩn thận từng lá, không nắm hoặc bứt cả chùm”.

Cũng theo ông Hiền, để cây mai ra bông đều, đẹp thường là lặt lá mai trước tết 15-20 ngày. Lặt lá xong thì tuỳ vào thời tiết sẽ bón phân thêm cho cây, nụ đã lớn thì bớt tưới nước. Còn nếu nụ nhỏ thì siêng tưới để thúc cho mai nở bông đúng ngày tết.

2. Với nhiều người việc lặt lá mai đón tết đã trở thành một ký ức đẹp. Cứ vào những ngày giáp tết, biết bao nhiêu người lại thèm cảm giác cả nhà cũng nhau lặt lá mai, cùng nhau trò chuyện thật bình yên và hạnh phúc. Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung (xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc) hiện đang sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh luôn nhớ về cây mai trước ngõ nhà. Chị Nhung cho biết, từ khi tốt nghiệp ra trường rồi đi làm, 8 năm đã thấm thoát trôi qua cũng chừng đó thời gian chị chưa từng được cùng các thành viên trong gia đình lặt lá mai đón tết. “ 4 cây mai của gia đình, thì có 2 cây gần bằng số tuổi của tôi. Thời điểm này, cả nhà lại lục đục bắc thang, bắc ghế lặt lá mai. Trong quá trình lặt mọi người trong gia đình đã được nói chuyện rôm rã, gắn kết tình cảm của thành viên lại với nhau. Và hạnh phúc nhất là mỗi khi tết đến, được nhìn ngắm các cây hoa mai nở vàng rực, rất đẹp. ”, chị Nhung chia sẻ.

hinh-lat-la-mai-2.jpg
Sự cẩn thận, tỷ mĩ được các gia đình chú trọng trong quá trình lặt lá

Chị Nhung nói rằng, chị cũng vừa gọi điện về cho gia đình để hỏi:  "Mai nhà mình đã được lặt lá chưa?”

Câu chuyện của chị Nhung cũng làm tôi nhớ, hồi nhỏ mấy chị em tôi cũng đã từng đứng dưới gốc mai lặt lá, còn cha tôi thì trèo lên cây lặt những cành cao. Thiệt lòng mà nói, lặt lá mai cũng rất mỏi tay, mỏi cổ nhưng hơn hết đó chính là sự háo hức. Bởi khi lặt lá mai thì chúng tôi biết mùa xuân đã về.

Ngày nay, trước nhu cầu chơi mai ngày tết của khách hàng, nhiều hộ vườn đã trồng mai kinh doanh. Và nghề lặt lá mai cũng đã ra đời như một công việc lao động thời vụ đem lại thu nhập cho người nông dân trong dịp tết.

hinh-lat-la-mai.jpg
Lặt lá mai cũng mang lại nguồn thu nhập thời vụ cho nhiều người

BẢO NGỌC


(0) Bình luận
Bài liên quan
Thảo thơm mứt tết
Những ngày cận Tết Nguyên đán, không ít gia đình đã chuẩn bị mứt, bánh. Bánh, mứt được mỗi gia đình sửa soạn để đãi khách có nhiều màu sắc, hình dáng, hầu hết gần gũi với quê hương, hợp với sở thích người dùng.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lặt lá mai đón tết