Theo dõi trên

Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong thực hiện Đề án 06

05/10/2022, 05:35

Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06) có ý nghĩa rất quan trọng để xác thực, kết nối các dữ liệu, đảm bảo nguồn thông tin công dân luôn “đúng, đủ, sạch, sống”. Chính vì vậy, TP. Phan Thiết đã và đang triển khai những giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng, hoàn thành theo đúng tiến độ Đề án 06…

Thông tin “đúng, đủ, sạch, sống”

Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký, ban hành Quyết định phê duyệt Đề án 06. Đề án có phạm vi và tầm ảnh hưởng rộng tới đa ngành, địa phương và lĩnh vực. Tại TP. Phan Thiết, thực hiện Đề án 06, trong thời gian qua, UBND TP. Phan Thiết, Tổ công tác triển khai Đề án 06 đã quan tâm và kịp thời chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, địa phương tập trung thực hiện và đã đạt được những kết quả bước đầu hết sức quan trọng. Đây là tiền đề để TP. Phan Thiết tiếp tục triển khai các nội dung theo đề án.

11.jpeg
Làm căn cước công dân. Ảnh minh họa.

Theo lãnh đạo TP. Phan Thiết, thực hiện Đề án 06, thành phố đã tập trung công tác làm sạch dữ liệu dân cư, hộ tịch, tiêm chủng, chú trọng công tác cấp căn cước công dân, triển khai dịch vụ công trực tuyến... Qua đó, đảm bảo nguồn thông tin công dân luôn “đúng, đủ, sạch, sống” và chính xác nhằm phục vụ chia sẻ, kết nối dữ liệu. Tính đến ngày 7/9, gần 6.500 trường hợp được cập nhật chứng minh nhân dân 9 số; xóa trùng thông tin cho 7/12 công dân ngoài tỉnh; xóa trùng thông tin cho 46/58 công dân trong tỉnh... Thời điểm này, Công an thành phố tiếp tục tăng cường thu thập, cập nhật thông tin đối tượng vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, hoàn thành cấp căn cước công dân kèm xác thực định danh điện tử đảm bảo đến ngày 31/12 có 100% công dân trong độ tuổi quy định được cấp căn cước công dân.

Bên cạnh đó, TP. Phan Thiết còn tăng cường triển khai thực hiện dịch vụ công thiết yếu mức độ 3, mức độ 4 để giảm tối đa thời gian đi lại của công dân, tiết kiệm cho Nhà nước kinh phí phục vụ lưu trữ, bảo quản hồ sơ, tăng cường tính chính xác, nhanh chóng các hoạt động nghiệp vụ. Các cơ quan, ban, ngành, địa phương đã tăng cường tuyên truyền Đề án 06 thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Tăng cường hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp và người dân thực hiện các thủ tục hành chính thông qua hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4. Đặc biệt, thành phố còn quan tâm triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu nhằm phục vụ tốt lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp.

Cụ thể hóa chương trình chuyển đổi số

Đề án 06 ảnh hưởng trực tiếp tới người dân, nhằm cụ thể hóa chương trình chuyển đổi số quốc gia, góp phần cải cách thủ tục hành chính và giúp người dân thuận tiện nhất khi thực hiện thủ tục thông qua môi trường số. Những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, để hoàn thành các mục tiêu năm 2022 và những năm tiếp theo của Đề án 06, đại diện lãnh đạo TP. Phan Thiết cho biết sẽ tiếp tục tổ chức phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân và doanh nghiệp về lợi ích mang lại từ kết quả thực hiện Đề án 06. Rà soát lại nhân lực thực hiện từ thành phố đến phường, xã; trình độ cán bộ thực hiện; hạ tầng thiết bị còn thiếu để đảm bảo công tác… Trên cơ sở đó có những giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng, hoàn thành theo đúng tiến độ Đề án 06.

Mặt khác, chỉ đạo lực lượng công an các phường, xã thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo đảm dữ liệu dân cư luôn “đúng, đủ, sạch, sống”, hàng ngày gắn với trách nhiệm cụ thể của thủ trưởng cơ quan công an các đơn vị; thông báo đủ 100% mã số định danh cho công dân; triển khai kế hoạch cấp căn cước công dân cho người đủ điều kiện theo quy định, gắn với cấp tài khoản định danh điện tử, tài khoản ngân hàng để phục vụ các tiện ích người dân. Ngoài ra, sẽ triển khai thực hiện tích hợp, kết nối và chia sẻ giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh phục vụ xác thực, chia sẻ thông tin công dân khi thực hiện thủ tục hành chính theo nguyên tắc không yêu cầu khai báo lại các thông tin đã có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Song song, trang bị kỹ năng số cần thiết cho công chức thích ứng với môi trường mạng để vận hành, phát triển các hệ thống, phục vụ ngày càng tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp…

KIM ANH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển hợp tác xã
Chuyển đổi số là quá trình tất yếu đối với các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX). Đây là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Qua đó, giúp tăng năng suất, giảm chi phí và mở ra không gian phát triển mới, tạo ra các giá trị mới ngoài các giá trị truyền thống vốn có.
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong thực hiện Đề án 06