Ông K’ Văn Góa – Phóchủ tịch UBND xã Đông Tiến cho biết: “Đây là nét văn hóa tâm linh của đồng bào, cầu thần mặt trời, ông bà tổ tiên, thần lúa phù hộ cho con cái, gia đình và họ tộc khỏe mạnh, sau đó là cầu mưa thuận gió hòa cho mùa màng bội thu”.
Lễ cúng được tổ chức ở ngoài bìa rừng hoặc ruộng rẫy, mâm lễ phải có khăn dệt trắng, gà, dê, bánh chưng, cơm, chuối, rượu cần (phẩm vật vùng cao) và 3 cây nêu (1 - thần mặt trời. 2 - ông bà tổ tiên người đã khuất. 3 - thần lúa). Mời một thầy lớn tuổi trong làng đến cúng, sau buổi cúng người nhà phải gióng trống và thổi khèn bầu, bà con đến dự sẽ nhảy múa quanh nơi thờ cúng và được mời uống rượu cần. Tất cả những người đến dự đều phải làm thủ tục đầu tiên của nơi thờ cúng là chắp tay trước nơi thờ và uống 1 chén rượu cần chia vui. Sau nghi thức cúng, cả làng sẽ ăn bữa cơm thân mật cùng gia chủ, và khi về sẽ được gia chủ chia 1 phần nhỏ vật phẩm cúng gọi là lộc.
Chị K’ Thị Hai, người dân xã Đông Tiến cho biết thêm: “Phong tục này có từ xa xưa, các họ tộc trong làng hoặc các hộ gia đình thay nhau cúng, gia đình nào có điều kiện thì cúng thường xuyên, không thì vài năm cúng 1 lần. Đây cũng là cơ hội để người trong làng ngồi quây quần bên nhau, cùng múa hát cầu mùa màng, cầu mong khỏe mạnh”.
Đây không chỉ là lễ cúng cầu an, tạ ơn mà còn là nét đẹp văn hóa tâm linh của các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh.
Thu Tình