Đoàn Bình Thuận ra quân với các nghệ nhân đờn như Nghệ nhân ưu tú Tám Thọ (ghita), Nghệ nhân ưu tú Phú Cường (Kìm), tài tử Hữu Sinh (Đờn cò), tài tử Duy Hải (tranh), Tài tử Ngọc Thắng (Bầu) cùng với các nghệ sĩ ưu tú Thanh Kính, Tài tử Trung Thiện, Hương Sen, tài tử Hà Thu, Ngọc Thuý, Thanh Vân và Nghĩa Tuấn. Với chủ đề “Bình Thuận – Điểm hẹn xanh”, được cố vấn chuyên môn NNUT Đặng Long dàn dựng tập trung ca ngợi vẻ đẹp thuần khiết của quê hương Bình Thuận. Tuân thủ bố cục mà Cục Văn hoá cơ sở yêu cầu cho các đơn vị tham gia hội thi, gồm tiết mục hòa đờn với Điệu Liên Nam Cổ khúc, Đơn ca “La Gi – Bình Thuận”, song ca “Hàm Kiệm – Bức Tranh quê”, vọng cổ nhịp 16 “Bức Tranh quê”, ca ra bộ “Du lịch Bình Thuận”, như một bức tranh toàn cảnh về vùng biển tươi đẹp thấm đẫm tình người.
Ông Nguyễn Tú Long - Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh cho biết: Dù Bình Thuận không phải là nôi của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ nhưng lại có vai trò vô cùng đặc biệt và góp phần quan trọng làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của người dân nơi đây. “ Với hội thi lần này, chúng tôi và nhóm các Nghệ nhân và Nhóm tài tử của tỉnh Bình Thuận mang đến chương trình đậm chất quê hương, giới thiệu và quảng bá hình ảnh của miền đất vùng Đông Nam bộ, trù phú với sản vật, danh lam thắng cảnh và sự trìu mến và tình người nơi đây”.
Ông Nguyễn Tú Long – Giám đốc Trung tâm Văn hoá cũng cho biết thêm: “Tham gia hội thi, đoàn Bình Thuận mong muốn cùng với các tỉnh bạn cùng cất lên cung đàn tri âm tri kỷ, đoàn kết chung tay nhằm vừa góp phần tham gia bảo tồn, phát huy, phát triển giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử đã được UNESSCO đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Với hội thi lần này, đoàn Bình Thuật dù cũng đã cố gắng thể hiện tốt nhất vai trò của mình, vói tinh thần học hỏi giao lưu cùng với các địa phương miền sông nước Nam bộ, để trao đổi kinh nghiệm, từ đó sẽ rút ra được những kinh nghiệm để duy trì và phát triển bộ môn Đờn ca tài tử”.
Trong khuôn khổ của hội thi, Bình Thuận cũng được xây dựng một không gian văn hoá “Đờn ca tài tử” để biểu diễn phục vụ cho du khách tham quan, thưởng thức, giao lưu cùng với nhau. Qua đó, Các tỉnh bạn có thể giao lưu ca hát cùng với nhau.
“Bình Thuận dù không phải là nơi bắt nguồn Đờn ca tài tử, nhưng em phải phục các anh chị ca hay quá. Dù các cô chú lớn tuổi nhưng phong độ vẫn như ngày nào, tụi em mới phải học hỏi” – Kim Phụng (tài tử đoàn Long An) chia sẻ. Chính vì thế, sau phần trình diễn của đoàn Bình Thuận cũng đã nhận được nhiều lời khen từ phía các tỉnh bạn, ban giám khảo.
Nhiều năm qua, dù còn nhiều khó khăn vì ít được đầu tư, nhưng Bình Thuận là một trong những tỉnh thành luôn gìn giữ, duy trì và phát huy hiệu quả loại hình Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ. Chỉ hy vọng rằng, sau Liên hoan lần này, Đờn ca tài tử ở Bình Thuận được sự quan tâm hơn, lưu giữ được giá trị văn hoá truyền thống mà Nghị quyết Trung ương 5 đã từng đặt nền móng trước sự xâm nhập của nhiều loại hình văn hóa khác.