Với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất, đảm bảo sản xuất sạch, hợp tác xã Đăk Tân, xã Đăk Nia, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắc Nông đã liên kết với các hộ nông dân để sản xuất các loại rau, củ an toàn, đồng thời liên kết với doanh nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh để tiêu thụ sản phẩm ổn định cho các thành viên góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo anh Nguyễn Thế Hòa, chuyên viên kĩ thuật của hợp tác xã Đăk Tân, 3,5 hecta đất trồng củ cải trắng Nhật Bản đang được hợp tác xã Đăk Tân thu hoạch bán với giá 3.000 đồng/kg (theo hợp đồng đã kí với chợ đầu mối Bình Điền, thành phố Hồ Chí Minh). Đảm bảo về chất lượng nên chợ đầu mối Bình Điền đã kí kết hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm lâu dài cho hợp tác xã với khối lượng 10 tấn rau củ quả mỗi ngày.
Để có được kết quả này, hợp tác xã đã áp dụng nghiêm ngặt tiêu chí sản xuất rau củ quả sạch từ các khâu chọn giống, phòng trừ sâu bệnh đến thu hoạch. Những sản phẩm của hợp tác xã khi đem kiểm tra đều đảm bảo về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
(Ảnh KT) |
“Tôi làm rau được mười mấy năm thì thấy trồng củ cải này cũng đơn giản. Quan trọng nhất là đầu ra bên công ty chúng tôi kí hợp đồng với thành phố Hồ Chí Minh chỉ cần 2.000 đồng/kg là có lời rồi, tại vì 1 hecta sản lượng có thể lên tới 100 tấn, trừ chi phí cũng được lời 100 triệu đồng. Thông thường cứ 2 tháng thu 1 lần”, anh Nguyễn Thế Hòa, cho biết.
Để đáp ứng đơn đặt hàng 10 tấn rau củ quả mỗi ngày, hợp tác xã đã liên kết với nông dân sản xuất và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Hợp tác xã đảm nhận khâu làm đất, phòng trừ sâu bệnh, cung ứng vật tư và bao tiêu sản phẩm khi thu hoạch.
“Trước đây tôi chuyên trồng và chăm sóc cây giống, từ ngày công ty chuyển qua trồng củ cải thì tôi cũng làm. Tôi thấy công việc ở đây rất ổn định, thu nhập không chỉ riêng tôi mà còn rất nhiều bà con nữa công việc rất ổn định”, chị Trương Thị Thanh Yến, nông hộ liên kết với hợp tác xã, chia sẻ.
Theo ông Lê Văn Lục, Giám đốc Hợp tác xã Đăk Tân, hợp tác xã được thành lập từ tháng 4/2017 với 7 thành viên, có hơn 9 ha đất canh tác. Trong đó 6 ha liên kết sản xuất với nông dân. Thực hiện chuỗi liên kết với nông dân và hợp đồng với doanh nghiệp để tiêu thụ gắn sản xuất với gia tăng chuỗi giá trị nông sản là phương thức hoạt động của hợp tác xã Đăk Tân. Đây là ví dụ điển hình trong thực hiện thành công chuỗi liên kết nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp.
“Theo cách nghĩ và cách làm của hợp tác xã mình thì sau này sẽ tạo vùng Đăk Nia thành vùng nguyên liệu của tỉnh Đăk Nông này luôn, nguyên liệu về rau củ quả, phải có những mô hình làm thí điểm. Chẳng hạn muốn trồng những loại cây khác đổi mới thì chúng tôi cũng phải có một vườn thực nghiệm, mình thực nghiệm trước cái đã rồi mình mới nhân rộng ra. Ở đây ban đầu trồng củ cải, cà tím, sắp tới là cây cà chua”, ông Lê Văn Lục cho biết.
Ông Nguyễn Viết Vui, Giám đốc Trung tâm khuyến Nông tỉnh Đăk Nông cho biết, sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Đăk Nông đang có sự chuyển hướng sang sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, hướng đến một nền nông nghiệp an toàn, bền vững.
“Tại hợp tác xã Đăk Tân thì sự liên kết giữa hợp tác xã với người dân và đặc biệt là tạo môi trường và xây dựng mô hình, tạo sự lan tỏa để bà con có thể nhìn vào và học tập thực tế, nhân rộng các mô hình trong tương lai. Tôi thấy đây là mô hình điểm mà chúng tôi đang tập trung chỉ đạo, lấy đây làm nòng cốt để nhân rộng. Đây là một hướng đi mới, thiết thực, hiệu quả, cải thiện được đời sống, thu nhập cho bà con, rất đúng với chủ trương của Đảng và Nhà nước", ông Nguyễn Viết Vui khẳng định.
Hoàng Qui/VOV