Theo dõi trên

Lựa chọn về đâu

08/04/2022, 05:58

Chương trình cải cách giáo dục phổ thông 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành đã hơn 4 năm, đến năm học 2022 - 2023, lớp 10 bắt đầu học theo chương trình và sách giáo khoa mới, một năm có nhiều vấn đề đặt ra không ít khó khăn với thầy cô giáo.

Mong muốn và thực tế

Những khó khăn đó là việc thực hiện chương trình cấp trung học phổ thông với nhiều môn học mới - trước đây không có, và việc hướng dẫn học sinh chọn nhóm môn học theo nguyện vọng. Theo cơ cấu chương trình, từ năm học 2022 - 2023, học sinh lớp 10 học 7 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc, gồm: Ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng an ninh, hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, nội dung giáo dục của địa phương. 2 môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2. Phần lựa chọn, học sinh chọn 5 môn khác từ nhóm 3 môn (chọn ít nhất mỗi nhóm 1 môn). Nhóm khoa học xã hội: Lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật; nhóm khoa học tự nhiên: Vật lý, hóa học, sinh học; nhóm môn công nghệ và nghệ thuật: công nghệ, tin học, nghệ thuật - âm nhạc và mỹ thuật.

sach-10.jpeg

Còn 5 tháng nữa các trường trung học phổ thông chính thức dạy lớp 10 theo chương trình thay SGK, nhưng đội ngũ giáo viên dạy các môn nghệ thuật – âm nhạc, mỹ thuật, hoạt động trải nghiệm – hướng nghiệp, ngoại ngữ 2, tiếng dân tộc chưa có. Bộ Giáo dục - Đào tạo đưa vào chương trình các bộ môn nhưng không đào tạo giáo viên bộ môn thì lấy ai thực hiện chương trình? Khi bước vào năm học mới, chắc chắn nhiều trường sẽ bỏ những môn không có giáo viên. Thực trạng ấy sẽ không đáp ứng được việc học sinh tự chọn môn học theo nguyện vọng – đổi mới và tiến bộ của chương trình giáo dục phổ thông 2018 chính là cho học sinh tự chọn môn học theo nguyện vọng sở thích và năng lực của bản thân.

Việc cho học sinh lựa chọn nhóm môn học đã đặt ra nhiều tình huống hết sức khó khăn cho các trường trong điều kiện thực tế hiện nay – nhất là các hiệu trưởng phải giải quyết nhiều vấn đề ngoài dự kiến khả năng. Ví như một trường đa số học sinh có khả năng và yêu thích các môn khoa học xã hội, yếu về các môn khoa học tự nhiên, nên các em tự chọn theo học các môn khoa học xã hội với tỷ lệ rất cao, hoặc ngược lại, như vậy sẽ rơi vào tình thế dư thừa hoặc thiếu hụt giáo viên ở từng bộ môn. Giải quyết số giáo viên dư thừa hay thiếu hụt trong thực tế hiện nay không thuộc quyền hạn của hiệu trưởng. Nhưng đáp ứng đúng yêu cầu tự chọn của học sinh, ở những trường loại 3, loại 2, số lượng học sinh thấp, sẽ có một số môn không có học sinh theo học, hoặc chỉ có một ít đăng ký chưa đủ biên chế sĩ số một lớp. Vậy những giáo viên dư ra không có tiết dạy, cũng như những môn học sinh đăng ký học đông, lại thiếu giáo viên bộ môn đứng lớp, giải quyết như thế nào là vấn đề hết sức nan giải. Từ thực trạng đó, nếu giao hết trách nhiệm cho hiệu trưởng xử lý, chắc rằng nhà trường sẽ không đáp ứng được nguyện vọng tự chọn môn học của học sinh mà phải tìm cách định hướng gợi ý cho học sinh nên chọn môn học nào, để cân bằng sĩ số theo học các môn, nhằm nghiên về đáp ứng hợp lý cho quyền lợi của đội ngũ giáo viên đứng lớp, hơn là quyền lợi theo nguyện vọng tự chọn môn học của học sinh.

Như này lựa chọn sẽ về đâu

Ngay từ khi mới ban hành chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhiều người nhìn đã thấy và cảnh báo sẽ xảy ra những thực trạng như trên, mong muốn cần có phương án giải quyết hợp lý, nhưng hầu như Bộ Giáo dục- Đào tạo không mấy để ý đến, chỉ tung chương trình và SGK ra để bên dưới các sở, các trường bơi theo. Chính vì thế nên khi trực tiếp thực hiện đã xảy ra ngổn ngang sự việc không thể giải quyết ổn thỏa. Học sinh ở nhiều trường sẽ không lựa chọn môn học đúng theo nguyện vọng bản thân, một số môn có khả năng nhiều trường bỏ dạy vì không có giáo viên, như nghệ thuật - âm nhạc và mỹ thuật, môn tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2... Nếu không kịp thời khắc phục những tồn tại bất hợp lý khi triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 như đã thấy thì sẽ giẫm lên vết xe đổ như quá trình thực hiện chương trình phân ban năm 2000, lúc đầu rầm rộ 3 ban (ban khoa học tự nhiên, ban khoa học xã hội và nhân văn, ban cơ bản), để rồi phá sản, cuối cùng còn lại một ban – ban cơ bản, từ thực hiện chương trình, sử dụng sách giáo khoa, đến nội dung thi tốt nghiệp.

VÕ NGUYÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
 Đoàn Thanh niên Công an tỉnh: Trên 450 công trình thanh niên được thực hiện
BTO-Trong 2 ngày 5-6/4, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Công an Bình Thuận đã tổ chức thành công Đại hội Đại biểu lần thứ X, nhiệm kỳ 2022 - 2027. Đây là 1 trong 2 đơn vị đoàn cấp huyện được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Bình Thuận chọn làm đơn vị tổ chức đại hội điểm và bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lựa chọn về đâu