Theo dõi trên

Mã số vùng trồng: Để “hộ chiếu” xuất ngoại không bị chông chênh. Bài 1

26/10/2022, 08:20

Bài 1: Còn tình trạng sử dụng chưa đúng mã số

Xác định việc cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói là rất cần thiết để thanh long cũng như những loại nông sản khác của Bình Thuận đáp ứng được nhu cầu thị trường và hướng tới xuất khẩu bền vững. Tuy nhiên, việc thực hiện cấp cũng như sử dụng mã số vùng trồng còn nhiều vấn đề phải bàn cãi, khi người trồng và người mua chưa “gặp” được nhau.

Còn nhiều khó khăn

Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, Bình Thuận đang đẩy mạnh triển khai cấp mã số vùng trồng cho sản phẩm nông nghiệp, qua đó, tạo điều kiện cho nhiều loại nông sản mở rộng thị trường xuất khẩu. Cây thanh long được xác định là cây lợi thế và là đặc sản của tỉnh với hơn 29.700 ha được trồng (tính đến tháng 9/2022). Thanh long Bình Thuận tiêu thụ trên thị trường chủ yếu là ở dạng trái tươi và một số ít là các sản phẩm đã qua chế biến như nước ép, rượu vang, thanh long sấy khô, sấy dẻo… trong đó, thị trường nội địa khoảng 15 - 20%, còn lại là xuất khẩu. Tuy nhiên, trong xuất khẩu chỉ có khoảng 2 - 3% là chính ngạch, còn lại được mua bán theo hình thức biên mậu qua thị trường Trung Quốc hoặc liên kết với các doanh nghiệp ngoài tỉnh để trực tiếp xuất khẩu. Gần đây, thị trường lớn nhất là Trung Quốc yêu cầu nông sản xuất khẩu phải có mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.

dan-tem-chi-dan-dia-ly-cho-trai-thanh-long-anh-nl-4-.jpg
Dán tem thanh long xuất khẩu (ảnh N.Lân)

Do đó, để đáp ứng yêu cầu trên, từ năm 2018, Bình Thuận đã bắt đầu triển khai thống kê vùng trồng và nhà đóng gói thanh long để đề nghị Cục Bảo vệ Thực vật cấp mã số vùng trồng và mã số nhà đóng gói thanh long Bình Thuận. Tính đến tháng 6/2022, toàn tỉnh có 574 mã số vùng trồng và 287 mã số cơ sở đóng gói được cấp và giám sát. Trong đó, mã số vùng trồng trong tỉnh đăng ký xuất khẩu sang Hàn Quốc là 125 mã số, Australia là 147 mã số, New Zealand là 147 mã số, Hoa Kỳ 69 mã số, Trung Quốc là 83 mã số... Đặc biệt, mã số đóng gói cho thị trường Trung Quốc 273 mã.

Tuy nhiên, hiện nay việc cấp mã số cơ sở đóng gói, mã số vùng trồng vẫn còn những khó khăn nhất định. Bởi Trung Quốc đang áp dụng chính sách Zero - Covid nên tăng cường kiểm soát. Bên cạnh đó, khi giá thanh long xuống thấp trong thời gian dài (đặc biệt từ đầu năm 2022 đến nay), cùng với giá vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao, khiến người dân khó duy trì sản xuất. Mặt khác, cũng do giá thanh long thấp, một bộ phận nông dân bất mãn nên việc thực hiện các quy định về ghi chép nhật ký, truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của mã số vùng trồng còn gặp khó khăn. Không chỉ vậy, vẫn còn tình trạng sử dụng không đúng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trên địa bàn, gây ảnh hưởng đến việc xuất khẩu. Tuy nhiên, phía địa phương không được cung cấp thông tin về việc xuất hàng của các cơ sở tại cửa khẩu nên khó quản lý việc sử dụng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói của các đơn vị trên địa bàn.

z3829507293377_217f4df13ec7f31d11888ae6ac40c42e.jpg
Bà Lê Phương Chi - Giám đốc HTX Hàm Minh 30 (Hàm Thuận Nam) chia sẻ.

Cần cấp mã đúng nơi, đúng địa chỉ

Theo Sở NN&PTNT tỉnh, để được cấp mã số vùng trồng, nông sản được sản xuất theo một quy trình nhất định từ yêu cầu về diện tích canh tác, điều kiện canh tác đến sổ sách ghi chép, vệ sinh trên đồng ruộng, thành phần dịch hại trong vùng sản xuất, yêu cầu về thuốc bảo vệ thực vật. Như vậy, việc xây dựng mã số vùng trồng không những giúp truy xuất nguồn gốc, đảm bảo các điều kiện khắt khe nhất về an toàn thực phẩm mà còn làm thay đổi nhận thức, hành động của người dân, doanh nghiệp và cán bộ quản lý tại địa phương trong việc nâng cao năng suất, diện tích, chất lượng và đầu ra cho sản phẩm. “Lý thuyết là vậy, nhưng trên thực tế, doanh nghiệp, cơ sở thu mua thanh long chẳng ai quan tâm vườn này có trồng theo VietGAP hay không, có truy xuất nguồn gốc không. Hơn nữa, việc cấp mã số vùng trồng hiện nay giao về cho địa phương (UBND xã) xác nhận, nên khi có doanh nghiệp thu mua thanh long (không phải tiêu chuẩn VietGAP) vẫn được địa phương xác nhận mã vùng trồng. Nếu không may phía Trung Quốc kiểm tra ngẫu nhiên 1 lô hàng không đạt chất lượng, thì mã vùng trồng của địa phương đó sẽ bị ảnh hưởng dây chuyền”, bà Lê Phương Chi - Giám đốc HTX Hàm Minh 30 (Hàm Thuận Nam) chia sẻ.

Đó cũng là tâm tư của nhiều nông dân khác trên địa bàn tỉnh đang kiên trì sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn GAP, nhưng chưa được thị trường quan tâm đặc biệt. “Do đó, để công việc này làm thực chất, không đối phó, ngành chức năng cần cấp mã vùng trồng cho từng hộ, từng cơ sở, các tổ hợp tác, HTX sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để việc cấp mã vùng trồng chính xác và lô hàng xuất khẩu đảm bảo chất lượng. Nếu mã vùng trồng được cấp đúng nơi, đúng địa chỉ, thì “hộ chiếu” xuất khẩu “rồng xanh” không còn bị chông chênh”, bà Chi kiến nghị thêm.

Nếu không được cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói thì nông sản nói chung và thanh long Bình Thuận nói riêng không đủ điều kiện xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Do đó, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh cần tập trung tăng cường tuyên truyền để người dân chuyên tâm sản xuất sạch, theo hướng hữu cơ. Đồng thời, hướng dẫn cấp mã vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói một cách chính xác, để nâng cao hiệu quả kinh tế và đáp ứng các quy định của thị trường.

Tại buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề với các tổ chức Hợp tác xã của tỉnh trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV mới đây, bà Phạm Thị Hồng Yến - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội – Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đã nghe các ý kiến về những bất cập xung quanh việc cấp và sử dụng mã số vùng trồng. Qua đó, đại biểu Yến nhấn mạnh sẽ kiến nghị lãnh đạo tỉnh, sở, ngành liên quan có giải pháp chấn chỉnh tình trạng sử dụng mã số vùng trồng chưa đúng mục đích, đem lại sự công bằng cho những nông dân tâm huyết với sản phẩm sạch.

MINH VÂN- KIỀU HẰNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Siết quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu
Theo Cục Bảo vệ thực vật, thời gian gần đây, hiện tượng sử dụng sai mã số và sử dụng mã số của tổ chức, cá nhân khác để xuất khẩu hàng hóa ngày càng diễn ra phức tạp. Sai phạm khi sử dụng không đúng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói đã khiến nước nhập khẩu cảnh báo vi phạm hoặc tạm dừng nhập khẩu. Việc này đã ảnh hưởng lớn đến uy tín hàng nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế, nghiêm trọng hơn sẽ làm mất thị trường xuất khẩu.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mã số vùng trồng: Để “hộ chiếu” xuất ngoại không bị chông chênh. Bài 1