Xoa hai tay vào nhau xuýt xoa vì hơi lạnh của cơn mưa ban nãy còn giăng đầy phố. Chợt lạc lối tới quán cà phê sân vườn tĩnh lặng, như thể nơi đây không phải giữa phố, như thể những âm thanh náo nhiệt ngoài kia chẳng thể lọt qua hàng tre bao ngoài cửa quán. Tò mò bước vào khám phá không gian khác lạ này thử xem sao. Bên trong được bố trí đơn sơ. Ghế tre. Bàn tre. Những bụi trúc nhỏ được trồng trong khuôn viên quán. Trông nhỏ xinh, gần gũi như đang lạc lối về xóm quê nhỏ hồi xưa...
Chủ quán chắc hẳn người thanh nhã nhẹ nhàng nên mới bày biện quán thế này. Mùi tinh dầu thiên nhiên thoang thoảng dễ chịu. Nhạc nhẹ nhàng vừa đủ nghe. Thả người trong không gian dịu mát, phiêu diêu trong miền ký ức tuổi thơ, những trưa trốn ngủ rủ nhau đi chặt trúc để làm ống thụt. “Đạn” là những trái rau đay già, bị nhét trong lòng ống trúc rồi được thanh tre vót tròn thụt mạnh ra. “Đạn” được nén qua đoạn ống dài nên khi nổ nghe cái “bụp” thật vui tai.
Vào độ đầu thu thế này, bao giờ lũ chúng tôi cũng đi lùng ổi chín để ăn. Ngồi vắt vẻo trên chạc ba cây ổi vừa ăn vừa ném đầu ổi xuống ao “chủm, chủm” thì còn gì thú bằng. Tiếng cười khanh khách của lũ chúng tôi vọng khắp xóm. Mấy bà mẹ liền xách roi đi rượt con về. Có lần lo bị mẹ bắt được đánh đòn tôi tuột vột xuống khiến cành khô cào xước hết bắp chân. Mẹ rửa nước muối rồi bắt nằp sấp đánh cho một trận. Tôi khóc tu tu trách mẹ không thương con lúc nào cũng chỉ biết mắng chửi. Tới khi nhổ giò dậy thì, tôi càng xa cách mẹ hơn vì nghĩ mẹ chỉ biết áp đặt con cái theo ý mẹ. Lúc nào tôi cũng cãi lại mẹ. Lúc nào cũng bảo vệ cái tôi của mình. Mẹ chỉ biết khóc bất lực. Thấy mẹ khóc tôi không những không thương mà còn giận hơn vì cho rằng mẹ lấy nước mắt ra để ép buộc tôi phải nghe lời. Cứ thế tôi dần rời xa vòng tay của mẹ.
Than ôi, chú chim nhỏ chỉ lo hào hứng trước bầu trời rộng lớn mà đâu biết bao khó khăn đang chờ mình phía trước.
Vốn ngang ngạnh nên tôi cắn răng chịu đựng thất bại, cắn răng gượng dậy trên đôi chân của mình. Tôi sợ nói ra sẽ phải nghe những lời trách mắng của mẹ, sợ phải thấy ánh mắt thất vọng của mẹ. Tôi khao khát khẳng định chính mình. Cứ thế thời gian tôi về nhà ngày một thưa dần đi...
Tôi đâu biết mẹ già đi rất nhanh.
Tôi đâu biết thời gian của mẹ dần ngắn lại.
Tôi đâu nghe những tiếng thở dài trong đêm của mẹ.
Tôi đâu hay mỗi tối mẹ vẫn canh điện thoại chờ một cuộc gọi của con.
* * *
Thời gian thì chẳng chịu thư thả đợi chờ ai. Khi tôi nhận ra tình thương của mẹ dành cho tôi thì cũng là lúc ngọn nến đời mẹ sắp lụi tàn. Khi tôi biết mua những đồ ăn ngon mang về, biết mua quần áo đẹp tặng mẹ thì bà đã chẳng thể ăn được vì phải ăn kiêng để giảm đường huyết, mỡ máu. Nhìn bữa ăn chay giản đơn của mẹ mắt tôi cay sè. Hóa ra tôi là kẻ thất bại nhất trong cuộc đời này vì chẳng thể báo hiếu được cho đấng sinh thành.
Mẹ ra đi một ngày đầu thu, chỉ cách lễ Vu Lan một ngày. Người ta bảo những ai ra đi vào dịp đặc biệt này thì phải tu dữ lắm, làm việc thiện dữ lắm. Không biết có phải như vậy không mà khi ra đi khuôn mặt mẹ thanh thản lắm, trên môi còn nở nụ cười tươi chứ không quằn quại đau đớn vì bệnh như mấy hôm trước.
Mùa Vu Lan lại đến rồi. Phố lại se sắt. Lòng lại rưng rưng nỗi ân hận của một đứa con chưa làm tròn chữ hiếu. Chợt quán mở bản nhạc buồn ơi buồn, se sắt con tim: “một bông hồng cho em, một bông hồng cho anh, một bông hồng cho những ai, cho những ai đang còn mẹ, đang còn mẹ để vui sướng hơn...”.
Vu Lan năm nào cũng tới chỉ có mẹ là không còn để con báo hiếu nữa mẹ ơi!