Đều đặn hàng năm có một tuyển tập văn nghệ ra mắt và các hội viên văn học đã có tác phẩm thơ, văn được xuất bản. Không những về số lượng mà điều đáng nói là chất lượng, có giá trị nghệ thuật được trong giới đánh giá cao. Ở lĩnh vực nghệ thuật nhiếp ảnh nhiều hội viên đã được ghi danh trong các cuộc thi thố tài năng, so tài với nước ngoài và trong nước.
Không đợi đến những đợt đi thực tế hay dự trại sáng tác khá ít ỏi do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức, Chi hội Tuy Phong đã chủ động, vận dụng nhiều cách để làm những chuyến đi trải nghiệm, tạo cảm xúc, ý tưởng sáng tạo cho hội viên. Từ đây những trang viết được tập hợp, chọn lọc để hình thành tác phẩm, bên cạnh những khắc họa diện mạo mới của hoạt động kinh tế- xã hội địa phương như một món quà tinh thần có ý nghĩa đối với công chúng. Trong tháng 5 với nhiều sự kiện lịch sử của đất nước và trải qua những ngày Tuy Phong gồng mình với cơn sốt do dịch Covid-19 diễn ra, Chi hội Tuy Phong làm một chuyến đi sáng tác qua một số tỉnh miền Tây và chọn điểm đến là Đất Mũi (Cà Mau) mà anh em chi hội hầu như chưa từng một lần đặt chân đến mảnh đất cuối cùng của Tổ quốc này. May mắn cho tôi có dịp theo chân đoàn mới tận mắt chiêm nghiệm một vùng đất kỳ thú và đậm sắc huyền thoại.
Tôi cũng từng nghe kể về Đất Mũi, nhưng mang máng nghĩ đến thành phố Cà Mau thì cũng không mấy xa. Những năm trước đây, phải đến thị trấn Năm Căn, nằm ngay cửa biển rồi đi bằng thuyền, ca nô trên những con rạch, luồn rừng mới đến Đất Mũi. Nay thì từ thành phố Cà Mau đã có con đường tráng nhựa hơn 100 cây số là đến huyện Ngọc Hiển, xã Đất Mũi và địa danh xóm Mũi. Một cô giáo - hội viên bên cạnh, lẩm nhẩm câu hát “Nghe nói Cà Mau xa lắm, ở cuối cùng bản đồ Việt Nam, ngại chi đường xa không tới…”. Nhưng anh Nguyễn Phương, quên chuyện văn chương mà chuyển qua nghề cũ - kỹ sư thủy lợi, khi nhìn hai bên đường là những con rạch thẳng băng, phân cách các lô rừng đước xanh ngắt say sưa phân tích độ bồi lấp tự nhiên và nguy cơ tình trạng xâm thực theo quy luật lở bồi của dòng nước biển. Lại có những ý kiến khác tự tin cho rằng dù có bị xói mòn đi nữa nhưng đất Mũi vẫn tự bảo vệ mình như câu nói từ kinh nghiệm dân gian: “Cây mắm đi trước, cây đước theo sau”. Bởi vì những bộ rễ cây rừng giữ lại hạt phù sa rồi tích tụ thành đất bãi. Hình tượng cây đước, cây mắm có bộ rễ tua tủa làm những chiếc nôm chụp lên mặt nước dường như đã có sự phân công, cây mắm thì khai mở bờ cõi, cây đước thì bảo vệ chủ quyền. Nghe thật thú vị và cảm nhận sự thiêng liêng.
Xóm Mũi, về địa lý không phải mô tả thêm gì nữa, nhưng không quá hẻo lánh của một xóm biển, cũng có hotel, nhà nghỉ, quán ăn… khá thanh lịch, mộc mạc chân quê. Bên cạnh đó là khu du lịch Vườn Quốc gia mũi Cà Mau với 6 điểm công trình dấu mốc tọa độ quốc gia nằm trong quần thể của cánh rừng cây xanh bằng những con đường xây bằng xi măng kiên cố. Thật ra đó là những chiếc cầu nổi đi trên mặt nước thủy triều, kéo dài qua các các con rạch giữa không gian xanh rừng đước và cặp theo kè biển ngút ngàn, có thể nhìn thấy phía bờ giáp rừng Kiên Giang… Đồ sộ nhất là công trình mô phỏng cột cờ thủ đô Hà Nội, với phần chân kỳ đài hoành tráng có phòng trưng bày hình ảnh thời sự tỉnh Cà Mau và giới thiệu tài nguyên khu dự trữ sinh quyển thế giới của mũi Cà Mau được tổ chức UNESCO công nhận từ năm 2009.
Tôi thường thấy những người đến Đất Mũi là ghi hình bên cạnh con thuyền căng buồm hướng ra biển có lá cờ Tổ quốc với nét rạng rỡ rất đổi tự hào. Có người nói vị trí xây biểu tượng con tàu hiện nay là mới hoàn thành mấy năm nay, thay cho con thuyền xây chỗ trước đó do bị mực nước biển dâng cao không còn phù hợp. Đứng ở đây, cạnh hành lang bờ kè biển cũng là làn ranh giữa sóng nước và rừng đước bạt ngàn.
Tôi chợt nghĩ, những bờ biển dọc dài của quê nhà Bình Thuận hào sảng bãi cát trắng, rộng mênh mông, chỉ mấy bước chân trần đã chạm vào vị mặn của biển. Còn ở Đất Mũi này “Vốc một vốc biển lên môi/ Nước thì mặn và phù sa thì đỏ” (thơ Nguyễn Trọng Tín). Có anh bạn trong đoàn thi vị hóa hình tượng biển thì phải mặn như nhau nhưng biển ở đây lưu giữ, nâng niu từng hạt phù sa màu đỏ, mang màu máu mở cõi của tiền nhân. Nhưng có bạn chưa đồng tình khi dẫn chứng địa danh Cà Mau theo gốc người Khmer gọi là Tư Kha - mau, có nghĩa là nước đen bởi lá tràm của rừng U Minh rụng xuống, tích tụ làm ố đục màu nước. Thực chất là từ nguồn nước của con sông Cái Lớn và sông Bảy Hạp tạo nên thảm phù sa lấn biển. Cho nên đất bãi bồi huyện Ngọc Hiển có diện tích rộng 24.000 ha mặt nước, độ sâu chỉ khoảng 2,5 thước nhưng khi nước ròng, hiện ra những bãi bồi phơi mình dưới nắng trời óng ánh. Nhờ vậy mà môi trường thiên nhiên ở đây đã tạo nên lợi thế cho nuôi trồng thủy sản như nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng, những bãi bồi cho loài sò huyết, cua biển, dòm…làm nên thương hiệu đặc sản nổi tiếng xưa nay khó đâu sánh bằng.
Nói đến sông rạch Cà Mau thì không thể nào kể xiết, riêng trên địa bàn Năm Căn, Ngọc Hiển đã có nhiều con sông lớn với vô số chi lưu, con rạch chằng chịt vừa tạo ra cái nghề chài lưới truyền thống của dân bản địa, đóng bè, đáy neo, đẩy te… Bán đảo Cà Mau có 3 mặt đều giáp biển cũng là nơi hội tụ sông, rạch chảy ra. Đặc điểm của con sông Cửa Lớn và có nhiều đoạn mang địa danh Cái Lớn, Tam Giang, Năm Căn khởi nguồn từ biển và tỏa ra nhiều chi lưu, đan xen, ngoằn ngoèo theo địa hình, rừng cây rồi chảy ra biển. Tương tự như đoạn sông chảy ngang Tánh Linh (Bình Thuận) có tên La Ngà, nằm trong hệ thống sông Đồng Nai để có cảm giác là con sông chảy ngược lên hướng núi… Từ xưa đi lại ở mũi đất này chỉ với thuyền bè theo kênh rạch đan xen vì đường sá không có, nên trong một khúc ca “Cà Mau đường đi không khó/ Mà chỉ khó có sông vắng đò” là vậy. Cũng là dân vùng biển thứ thiệt, tôi vẫn nhận ra những cảm xúc của anh em trong đoàn không hết ngạc nhiên trước một xứ sở không thấy đâu là bến bờ nhưng trời biển mênh mông, đậm chất mặn mà, những sự tích anh hùng, đằm thắm bên ta một thiên đường xanh đầy quyến rũ.