Những âm thanh rì rào suốt ngày đêm của biển làm tròn giấc ngủ của những đứa trẻ mới sinh. Những chiếc ghe được kéo lên bờ nằm phơi nắng những ngày biển động. Những đám dừa vươn cao thẳng tắp tạo thành bóng mát chạy dài ven biển: Một làng chài nối tiếp nhau từ Kê Gà, Cây Găng cho đến Cửa Cạn. Đó là quê tôi, một vùng biển được gọi là bãi ngang, không có sông nên ghe thuyền mỗi khi giông to gió lớn tấp vào điện Kê Gà, mũi Hòn Lan, và một ít ghe nhỏ vào Cửa Cạn. Cửa Cạn, đúng cái tên của nó: Sông không ra sông, bến không ra bến, giống như con lạch nhỏ ăn thông ra biển mà nước cạn có thể xăn quần lội qua, nên nó mới có tên là Cửa Cạn, nhưng nước lớn cũng phải nhờ đò đưa nếu không muốn ướt quần áo! Và Cửa Cạn đếm trên đầu ngón tay vài mươi nóc gia của những con người tứ xứ đến đây dựng chòi lập nghiệp, rồi nhận những người xung quanh là bà con anh em! Ở đây mặc dù nhỏ nhưng người ta không quên vì đằng sau biển có một cánh đồng muối (ngày xưa gọi là Sở Muối) mà trong thời kháng chiến chị tôi lật đật gánh từng gánh muối trĩu vai (lật đật vì sợ máy bay Pháp) mà chỉ nhận được những chiếc thẻ (làm bằng tre) ghi công là đã đóng góp cho kháng chiến!
Làng tôi là một làng biển, đây là một làng “xôi, đậu”, ngày ấy nghe từ xôi đậu tôi không hiểu bên nào là xôi, bên nào là đậu, một vùng đất rất nghèo nhưng lại có cái tên rất đẹp là Văn Mỹ, có huyền thoại mũi Hòn Lan, Hòn Một, mộ Cô Rô và ngọn Hải đăng Kê Gà thuộc hàng có tên tuổi Đông Nam Á (nay là xã Tân Thành thuộc huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận).
Nghề biển, bất cứ ngày hay đêm, nơi nào có cá thì đánh. Đàn ông, con trai không nói làm gì, nhưng đàn bà, con gái cũng bất cần thân thể nhảy xuống biển như trai… Nghèo thì lưới gan, lưới lội, khá một chút thì lưới hai, lưới xẩm (loại lưới chỉ đánh lúc chạng vạng, xẩm tối), giàu thì lưới rùng, trủ (loại lưới như mắt mùng, đó là tên gọi ngư cụ của từng địa phương)… còn nghèo không có lưới thì làm thuê, trẻ con thì sắm cái vợt (dợt) chuyên đi hôi cá! Hôi một ngày thì dư ăn, hôi một tháng thì có cá khô, mắm để dành khi trời động, hôi một năm thì bịt được cái răng vàng mà mỗi lần nói chuyện cố nhe ra cho người ta thấy! Luật bất thành văn, cá của người ta mà mình lội xuống biển thấy con nào mắc lưới là gỡ, cá chưa vào “đãy” (túi to) là dùng khấu để khấu. Dân biển quê tôi có một tình thương bao la, nhường cơm xẻ áo nên hôi cá là một cái nghề hợp pháp cũng nuôi sống được không ít những gia đình neo đơn, và phần đông những người hôi cá là bà con họ hàng trong xóm với nhau nên mỗi lần xuống biển hôi năm ba con cá cũng chẳng… nhằm nhò gì!
Ghe đánh cá chủ yếu là chèo, buồm chỉ là phụ, ngoài chủ ghe còn có “thuyền trưởng” được gọi là “chèo dọc”, những người đi biển thuê được gọi một từ vô cùng văn hóa là… “bạn”, nhưng ngẫm lại sao mà nó “đểu” quá! Bạn cái nỗi gì khi mà suốt đời phải làm thuê, mượn tiền trước đến mùa biển chia tiền thì chủ ghe trừ sạch, và những khi đau ốm thiếu người đi biển thì chủ ghe chửi mắng té tát! Nói thế, nhưng kẻ có công người có của nương nhau mà sống “giận thì giận nhưng thương thì rất thương”.
Những chàng trai một đời làm ngư phủ bao giờ cũng nhẫn nại, chịu khó, lao động cật lực, chống chọi với thời tiết bất thường của biển, nên ai cũng trở nên lực lưỡng đen giòn. (Sau này tôi đọc tiểu thuyết Trống Mái của Khái Hưng tôi thấy những anh chàng làm biển quê tôi giống anh chàng Vọi, có điều chàng Vọi lại không có cô Hiền nào để ý. Vì làng biển quê tôi toàn là người bà con, muốn lấy vợ lấy chồng phải tìm ở làng khác. Nhưng cũng có không ít những mối tình đẫm lệ vì gặp phải những người bà con, nhưng dân làng tôi sẵn lòng tha thứ và tìm cách ngăn chia).
Chiến tranh cả làng bỏ biển mà đi, hòa bình 1954 lại về với biển, rồi lại chiến tranh, rồi lại bỏ làng, rồi sau 1975 lại trở về. Cái điệp khúc “rồi” ấy như rất quen thuộc của một thời dân làng tôi bám rừng mà thở, bám biển mà sống. Rồi biết chẳng còn chiến tranh, những anh chàng Vọi tiếp tục xuống biển làm lại cuộc đời ngư phủ. Riêng tôi, khi biết đói, biết nghèo, tôi mê đời ngư phủ, biết đánh bắt những con cá tươi rói làm nên mâm cơm đạm bạc, có thể nói không quá lời rằng, ngày ấy “ăn cá trừ cơm”! Tôi suýt bỏ học vì câu nói của dân quê tôi: “Văn chương chữ nghĩa đói xuôi cò/ Cầm đai kéo lưới vậy mà no”!
Quê tôi là xã anh hùng. Gia đình nào cũng có vài ba người thân hy sinh cho cách mạng. Những năm chiến tranh một thời xơ xác vì đói nghèo, rồi lại xác xơ vì bom đạn, rừng đã che chở cho dân làng tôi, biển đã nuôi sống nhiều thế hệ, dân tôi không thể thiếu biển, mất biển là mất tất cả, nên dù ở chân trời góc biển nào… tôi cũng nhớ biển…